Trong số 15 người chết có nhiều người là trụ cột trong gia đình. Họ mất đi, cuộc sống của người thân vốn éo le nay càng thêm khốn khó.
Mẹ, em gái và vợ con anh Đỗ Tiến Hòa vẫn chưa hết bàng hoàng sau tai họa bất ngờ
Vụ tai nạn thảm khốc khiến 15 người chết để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình các nạn nhân. Không ít người trong số đó là trụ cột trong gia đình, giờ đây khi họ mất đi, cuộc sống vốn éo le nay càng thêm khốn khó.
Tai họa ập đến bất ngờ
Ngày 29/7, PV Báo Giao thông tìm về gia đình anh Đỗ Tiến Hòa (SN 1972, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), là một trong số 15 nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn thảm khốc hôm 26/7.
Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp chẳng có vật dụng gì đáng giá, ngoài chiếc xe máy cà tàng mà thường ngày anh Hòa vẫn sử dụng để đi làm, bà Hà Thị Nhớ (SN 1958, dì ruột anh Hòa) rưng rưng nước mắt: “Tội nghiệp, Hòa là đứa cháu trai duy nhất thờ phụng ông bà. Thường ngày, Hòa đi bốc vác thuê để lấy tiền lo cho cả gia đình, vậy mà…”.
“Mọi sự giúp đỡ ủng hộ 5 gia đình có nạn nhân tử vong xin gửi qua tài khoản Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông, STK 102010001764880 tại Ngân hàng TMCP Công thương VN – Chi nhánh Hà Nội (nội dung gửi gia đình anh Đỗ Tiến Hòa (phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới); Gia đình chị Trần Thị Phương (phường Đồng Hải, TP Đồng Hới); Gia đình anh Phạm Ánh Dương (phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới); Gia đình chị Lê Thị Lệ Hà (phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới); Gia đình chị Đoàn Thị Hải Yến (phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới).”
Cùng ở chung nhà, mẹ anh Hòa là cụ Nguyễn Thị Na nay đã 79 tuổi, nằm liệt giường vì bị mắc bệnh tim, bệnh thận, khắp cơ thể lở loét, mới bị bệnh viện trả về. Chồng cụ Na vốn là bộ đội thuộc Binh đoàn Trường Sơn, đã mất cách đây 10 năm do bệnh ung thư.
Em gái anh Hòa năm nay đã 35 tuổi do ảnh hưởng của chất độc da cam nên cũng sống vô thức. Còn vợ anh Hòa là chị Nguyễn Thị Hóa (SN 1977) không có nghề nghiệp gì, chủ yếu ở nhà chăm sóc cho mẹ chồng, em chồng và hai con là Đỗ Thị Thanh Nhàn (SN 2005, học lớp 9) và Đỗ Thiện Nhân (SN 2010, học lớp 5).
Chưa hết bàng hoàng sau cái chết của chồng, chị Hóa nghẹn ngào kể, hai vợ chồng chung sống với nhau đã được 16 năm. Trước đây, anh Hòa cũng đi bộ đội nhưng do bị bệnh nên xuất ngũ sớm, về địa phương làm ăn sinh sống.
“Trước đây chồng tôi có đóng bảo hiểm xã hội, đến tháng 10 năm nay là đủ 20 năm, được chốt sổ để sau này có chút lương hưu.
Hôm đi họp lớp, anh ấy cũng không muốn đi lắm vì không có tiền, hơn nữa bà cụ lại đang ốm. Nhưng rồi bạn bè nói cứ đi, mọi chi phí không phải lo. Dù ở Quảng Bình nhưng anh cũng chưa từng đến Phong Nha. Rồi chuyện đau lòng xảy ra, như là định mệnh vậy…”, chị Hóa nghẹn giọng.
Ông Nguyễn Mạnh Ninh, Bí thư kiêm Tổ trưởng dân phố phường Đồng Sơn cho hay: “Gia đình cụ Na ai cũng hiền lành, sống chan hòa với hàng xóm.
Cụ Na và con gái vẫn đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng, nhưng số tiền chẳng thấm tháp vào đâu. Hôm anh Hòa mất, tổ dân phố cùng phối hợp với gia đình để lo mai táng, tôi cũng đã vận động quyên góp, giúp gia đình bớt phần nào khó khăn”.
Cuộc sống thêm khó khăn, đảo lộn
Tương tự, hoàn cảnh gia đình chị Trần Thị Phương (SN 1973, Đồng Mỹ, Đồng Hới, cán bộ Bưu điện tỉnh Quảng Bình) cũng rất khó khăn.
Anh Trần Bá Thảo (SN 1963, chồng chị Phương) chia sẻ, hai vợ chồng anh sinh được hai con, cháu đầu tên là Trần Nguyên (SN 1998) vừa mới tốt nghiệp Đại học Tài nguyên – Môi trường ở Hà Nội, cháu thứ hai là Trần Thảo Quyên (SN 2003) hiện học lớp 11 chuyên Anh, Trường chuyên Võ Nguyên Giáp.
Trước đây, hai vợ chồng đều làm công nhân viên VNPT Quảng Bình, đến năm 2017 thì anh xin nghỉ hưu sớm. Sau đó, anh vào miền Nam tìm việc làm thêm, thỉnh thoảng mới về Đồng Hới.
“Thời gian qua, việc ăn học của hai con, sinh hoạt của gia đình trông cả vào tiền lương của vợ, tôi thì thỉnh thoảng mới gửi về được chút ít để phụ thêm. Phương không may qua đời đã là nỗi đau quá lớn, giờ đây cuộc sống của cả nhà cũng rất bấp bênh, mọi thứ đảo lộn hết cả”, anh Thảo rưng rưng.
Ngồi bên bàn thờ mẹ, cháu Nguyên cũng không giấu được những giọt nước mắt xót xa: “Trưa hôm đó, khi hay tin mẹ mất, cả nhà không ai dám tin vào sự thật. Cháu thương và nhớ mẹ lắm. Rồi đây không biết cuộc sống của ba bố con cháu sẽ thế nào…”.
Ngoài gia đình anh Đỗ Tiến Hòa và chị Trần Thị Phương, còn có một số gia đình có người thân mất trong vụ tai nạn thảm khốc cũng có hoàn cảnh rất khó khăn như gia đình anh Phạm Ánh Dương (SN 1973, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới); gia đình chị Lê Thị Lệ Hà (SN 1973, phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới); gia đình chị Đoàn Thị Hải Yến (SN 1973, phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới)… Các nạn nhân đều là những lao động chính trong gia đình. Sau tai họa bất ngờ, nỗi đau mất người thân, gánh nặng mưu sinh đang đè nặng lên gia đình họ.
Sáng 26/7, xe ô tô khách BKS 73B-009.25 chở đoàn cựu học sinh cấp 3 TP Đồng Hới đi du lịch trên đường Hồ Chí Minh, nhánh Tây theo hướng Bắc – Nam.
Đến khoảng 10h30 trưa cùng ngày, xe di chuyển trên đoạn đường dốc thì bị mất phanh nên bị lao xuống vực rồi lật nghiêng tại đoạn Km 21+700, đường Hồ Chí Minh, nhánh Tây (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Vụ tai nạn khiến 15 người chết, 22 người bị thương.
Nguyễn Đức
Nguồn tin: Báo An toàn giao thông
Nguồn: Tin Quảng Bình
Đăng nhận xét Blogger Facebook