Những ngày nắng nóng 40 độ C, người dân làng Tân An tất bật đổ bột tráng bánh, phơi khô sản phẩm và đóng gói xuất đi các tỉnh thành.



Làng nghề bánh tráng Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, có truyền thống hơn trăm năm, hiện có 260 hộ sản xuất, mỗi năm tiêu thụ hơn 300 tấn gạo nguyên liệu. Những ngày này, Quảng Bình nóng 40 độ C, là thời điểm làng nghề tấp nập vào vụ sản xuất.



7h sáng, bà Mai Thị Báu, 57 tuổi, nhóm lửa, chuẩn bị nồi nước để tráng bánh. Gia đình bà Báu chỉ sản xuất bánh tráng mè đen. Nguyên liệu chủ yếu là bột gạo, kết hợp với ít bột lọc, muối, mè đen. Ngày nay, một số gia đình sáng tạo cho thêm bột nêm, hoặc ớt… để tạo vị khác biệt.


Mỗi ngày, bà Báu sản xuất 10 kg gạo nguyên liệu, cho ra khoảng 300 bánh thành phẩm. Bà Báu nói việc ngồi cạnh bếp lửa nhiều năm qua ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. “Việc này ngồi một chỗ nhưng nặng nhọc hơn nhiều làm việc bên ngoài”, bà Báu nói.



Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Phương, 60 tuổi, phụ vợ xay gạo thành bột. Gạo trước khi xay được ngâm nước cho mềm. Trước khi có máy cơ khí, việc xay gạo thực hiện bằng cối đá và dùng sức người. Công việc này vốn chỉ dành cho phụ nữ, nhưng ông Phương nay đã lớn tuổi, không thể làm việc khác nên ở nhà phụ vợ.



Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân Tân An bắt đầu đưa máy móc vào làm nghề, hiện có khoảng 45 chiếc.


Bà Nguyễn Thị Hồng Chuyên, 55 tuổi, chủ một cơ sở sản xuất bằng máy cho hay dậy từ sáng sớm để xay gạo, hấp bánh nhằm tránh nắng. “Đến 11-12h trưa thì nghỉ chứ quá nắng”, bà Chuyên nói.



Bánh đa nem tráng bằng máy, được hai nhân công lấy ra khỏi liếp phơi. Để bánh có màu vàng, các cơ sở trộn thêm ít bột ngô. Nghề này chỉ làm từ tháng 2 đến tháng 10. Vào mùa mưa, những ngày không có nắng, người dân nghỉ làm. Nghề làm vất vả nhưng thu nhập chỉ khoảng 150 đến 200 nghìn đồng mỗi ngày.



Bánh đa nem được xếp thành nhiều lớp rồi cắt thành hình vuông, mỗi chồng 20 cái. “Nhiệt độ ngoài trời rất nóng, trong lò còn nóng hơn, dù người khó chịu nhưng phải gắng sức”, bà Chuyên nói khi miền Trung đang những ngày đỉnh điểm của nóng bức.


Hiện nay, Hợp tác xã làng nghề bánh mè xát Tân An được thành lập với 15 xã viên, tạo việc làm cho 80 lao động với mức thu nhập 100.000-200.000 đồng mỗi ngày công.



Bánh sau khi tráng được đưa ra phơi nắng, sáng đảo mặt xuống, chiều đảo mặt theo hướng mặt trời. Cơ sở này sản xuất nhiều loại bánh như bánh mè đen, bánh mè vàng, bánh đa nem…



Bánh tráng mè đen được phơi khoảng ba tiếng là khô. Nếu phơi quá giờ, bánh sẽ bị cong, hỏng. Quá trình phơi, nhân công phải liên tục kiểm tra, đảo bánh để được khô đều.



Một thợ phơi bánh tranh thủ nghỉ ngơi khi vừa đảo qua một lượt bánh.



Cuối buổi sáng, bánh khô được tập kết về cơ sở để đóng gói. Việc đầu tư máy móc giúp cơ sở này có năng suất cao hơn, mỗi năm sản xuất 35 tấn nguyên liệu.



Việc gỡ bánh phải cẩn thận, một tay trên, một tay dưới để tránh làm vỡ.



Công đoạn cuối cùng là đếm số bánh để đóng gói. Cơ sở này phân phối bánh đi Hà Nội, Huế, Đà Nẵng…


Làng bánh tráng ngày nắng nóng


Thợ làng Tân An tất bật tráng, phơi bánh. Video: Hoàng Táo.


Hoàng Táo


Nguồn tin:  VnExpress




Nguồn: Tin Quảng Bình

Đăng nhận xét Blogger

 
Top