Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII, cử tri đã kiến nghị 65 nội dung. Báo Quảng Bình lược ghi một số nội dung trả lời kiến nghị cử tri của các sở, ngành, địa phương.
Đối với ý kiến của cử tri huyện Quảng Trạch về “Hiện nay, đơn vị Bộ đội Biên phòng không còn quản lý, bảo vệ Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo, có chính sách phù hợp để Khu mộ Đại tướng tiếp tục được quản lý, bảo vệ tốt hơn”, UBND huyện Quảng Trạch trả lời như sau:
Việc quản lý và bảo vệ Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước đây được giao cho Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đảm nhiệm. Tuy nhiên, tháng 1 năm 2019, việc quản lý và bảo vệ Khu mộ Đại tướng được bàn giao lại cho gia đình quản lý, bảo vệ và phục vụ nhu cầu thăm viếng của cán bộ và nhân dân.
Để bảo đảm việc đón khách đến viếng Khu mộ Đại tướng trong các dịp lễ lớn và Tết cổ truyền của đất nước, UBND huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo các cơ quan, các tổ chức đoàn thể phối hợp cùng với gia đình Đại tướng thực hiện công tác dọn vệ sinh tại khuôn viên Khu mộ, tiếp đón và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đến viếng mộ Đại tướng bảo đảm trật tự, an toàn và tôn nghiêm.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên gia đình Đại tướng đã cho tạm dừng các hoạt động trong khu vực lăng mộ.
Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương đơn vị phối hợp với gia đình, bảo đảm Khu mộ Đại tướng tiếp tục được quản lý, bảo vệ tốt hơn.
Đối với kiến nghị của người dân về việc giải tỏa, đền bù đất trồng lúa cho người dân thực hiện một số dự án trên địa bàn hiện nay chưa hoàn thành, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân và tiến độ thực hiện dự án của các doanh nghiệp, UBND thành phố Đồng Hới cho biết: Hiện nay trên địa bàn phường Đức Ninh Đông đang triển khai thực hiện một số dự án phải thu hồi đất trồng lúa của các hộ dân.
Qua kiểm tra thực tế thì phạm vi thu hồi đất được thực hiện theo phạm vi quy hoạch của từng dự án, một số dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và triển khai thi công, một số dự án đang triển khai thực hiện, quá trình thực hiện phát sinh một số trường hợp vướng mắc (các hộ dân chưa đồng ý với giá bồi thường đất) dẫn đến thời gian GPMB công trình kéo dài, ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa của các hộ.
Hoặc một số dự án thu hồi đất lúa không liền vùng dẫn đến tình trạng những thửa đất còn lại chưa thu hồi bị ngừng sản xuất do hệ thống tưới tiêu không hoạt động được. Để bảo đảm quyền lợi của người dân, những thửa đất chưa thu hồi nhưng không sản xuất được thì sẽ xem xét hỗ trợ ngừng sản xuất theo quy định.
Thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư dự án, đơn vị tư vấn bồi thường, GPMB và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB để bảo đảm quyền lợi của người dân bị thu hồi đất trồng lúa và tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư.
Dự án khu dân cư phía Đông Nam đường Lê Lợi liên quan đến việc thu hồi đất lúa của người dân phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới)
UBND huyện Quảng Ninh trả lời phản ánh của cử tri về việc “Hiện nay, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng, nước cho sản xuất và sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn. Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo việc bàn giao công trình Nhà máy nước để Công ty cấp nước Quảng Bình tiếp nhận, vận hành bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện” như sau:
Công trình cấp nước sinh hoạt 5 xã Hiền-Xuân-Tân-An-Vạn Ninh và Khu công nghiệp Áng Sơn huyện Quảng Ninh (giai đoạn I) được đầu tư xây dựng và hoàn thành năm 2011, có công suất 4000m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 10.000 hộ dân trên địa bàn huyện Quảng Ninh.
Dự án cấp nước sinh hoạt 5 xã Hiền-Xuân-Tân-An-Vạn Ninh và Khu công nghiệp Áng Sơn huyện Quảng Ninh (giai đoạn II) được triển khai từ năm 2014, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã bố trí là 9.887 triệu đồng, nguồn tài trợ của Italia (hỗ trợ phần thiết bị) theo cam kết là 10.981 triệu đồng, đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa bàn giao phần thiết bị này cho dự án nên dự án không thực hiện được.
UBND huyện Quảng Ninh đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để cùng với nguồn ngân sách Trung ương đầu tư công trình, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn.
Hiện nay, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1260/QĐ-UBND. ngày 27-4-2020 về việc bán tài sản Nhà máy nước Rào Đá cho đơn vị duy nhất là Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình. Ngày 4-5-2020. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện đã ký hợp đồng mua bán tài sản với Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình, theo đó, trong vòng 90 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình phải thanh toán đầy đủ số tiền trúng đấu giá và nộp vào Ngân sách nhà nước. Ban quản lý dự án sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình để bàn giao toàn bộ tài sản theo đúng quy định. Sau khi bàn giao, Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình sẽ quản lý, vận hành và nâng cấp nhà máy để bảo đảm cung cấp nước cho dự án FLC xã Hải Ninh và nhân dân các xã trên địa bàn huyện Quảng Ninh.
Về đề nghị tăng cường việc chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế sắp xếp lại tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn và hiệu quả trong công việc, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2557/QĐ-UBND về việc điều chỉnh số lượng, lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 bảo đảm đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10,5% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.
Tổng chỉ tiêu tinh giản biên chế đến năm 2021 của các cơ quan, đơn vị, địa phương toàn tỉnh là 3.059 biên chế, tương ứng 10,5% so với biên chế được giao năm 2015, bao gồm: 209 biên chế công chức hành chính cấp huyện trở lên; 2.421 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm cả số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục-đào tạo và y tế); 53 người hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ; 376 cán bộ, công chức cấp xã.
Đến nay, tỉnh đã thực hiện tinh giản 1.764 biên chế bảo đảm theo đúng số lượng và lộ trình đã phê duyệt. Số lượng biên chế công chức, viên chức hàng năm không vượt quá số được Bộ Nội vụ giao và phê duyệt, bao gồm: giảm 172 biên chế công chức; giảm 1.592 biên chế sự nghiệp.
Đồng thời, thực hiện phê duyệt danh sách đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ cho 568 cán bộ, công chức, viên chức.
Về kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đến nay, toàn tỉnh đã rà soát, sắp xếp. Đối với các tổ chức bên trong thuộc, trực thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, giảm 1 Chi cục; 12 đơn vị sự nghiệp công lập; 28 phòng; giảm 43 phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Chi cục; giảm 43 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện.
Về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, giảm 8đơn vị hành chính cấp xã, tương ứng với giảm được 299 người, trong đó, 69 cán bộ, 79 công chức và 151 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh còn lại 151 xã, phường, thị trấn (128 xã, 15 phường và 8 thị trấn).
Như vậy, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế bảo đảm số lượng và lộ trình của kế hoạch đã được phê duyệt. Thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc kế hoạch và lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế đã đề ra.
Sở Nội vụ cũng đã trả lời các nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến việc sắp xếp, bố trí và chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư; các kiến nghị liên quan đến người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố…
Ngọc Mai (lược ghi)
Nguồn tin: Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/chinh-tri/202007/ky-hop-thu-15-hdnd-tinh-khoa-xvii-cac-so-nganh-tra-loi-kien-nghi-cua-cu-tri-2179228/
Nguồn: Tin Quảng Bình
Đăng nhận xét Blogger Facebook