Dòng sông Nhật Lệ trong xanh, bình yên vắt ngang đã tô đẹp thêm cho thành phố Đồng Hới một vẻ đẹp mê đắm lòng người. Nhưng ít ai biết rằng, dưới đáy dòng sông ấy vẫn có những phận người ngày đêm lặn ngụp mưu sinh vì cuộc sống nhọc nhằn...

Nghề lặn mùa… đói hàu

Sản vật dòng sông Nhật Lệ có nhiều nhưng tiêu biểu nhất vẫn là con hàu. Con hàu đã trở thành đặc sản mà những ai đã từng đến Quán Hàu ăn thử món hàu đều muốn quay trở lại. Thế nên con hàu cũng đã nuôi sống hàng trăm hộ gia đình làm nghề lặn hàu trên khúc sông Nhật Lệ.
Thế mà, chưa năm nào như năm nay, đã gần cuối mùa hàu rồi mà dòng sông Nhật Lệ vẫn vắng tanh. Dân lặn hàu ở các xóm Phú Bình (TT Quán Hàu), Phú Bình Cát (xã Lương Ninh), Trúc Ly (xã Võ Ninh) đều lắc đầu ngao ngán khi chúng tôi xin họ đi theo lặn hàu. “Có hàu mô mà đi bắt. Năm ni con hàu hắn không sinh” – Anh Đáng, một người dân chuyên bắt hàu buồn rầu nói. Cả ngày trời chúng tôi đi hỏi nơi này đến nơi khác, mãi đến chiều tối thì được một người chỉ: “Chung thân với hàu có tay Xảo ở thôn Trúc Ly, hắn mà không lặn thì thôi, các chú đừng đi tìm nữa cho mệt”.   
Ông Đống - một thợ lặn chuyên nghiệp chuẩn bị đồ nghề xuống sông Nhật Lệ lặn hàu, tôm, cá...
Ông Đống - một thợ lặn chuyên nghiệp chuẩn bị đồ nghề xuống sông Nhật Lệ lặn hàu, tôm, cá...
Xâm xẩm tối chúng tôi tìm được đến nhà anh Đoàn Xảo, năm nay 48 tuổi, tròn 20 năm sống bằng nghề lặn hàu. Anh Xảo chung thân với con hàu cũng có lý do riêng, cách đây 20 năm, trong một chuyến đi tìm trầm trong rừng sâu, anh bị bọn “mẹo” (phỉ) bắn cụt một chân.  Từ ngày ấy anh làm gì cũng khó, nhưng trời cho cái sức lặn tốt, “mụ vợ lặn cũng tốt”, nên hai vợ chồng cùng hợp với nhau mưu sinh bằng nghề lặn hàu. Mấy chục năm nay cuộc sống gia đình trông chủ yếu vào con hàu, từ cái ăn, mặc, con cái đi học... muốn sắm cái gì to to đều chờ vào vụ hàu. Thế mà năm nay đã 3 lần hai vợ chồng chèo thuyền đi tìm hàu mà cả 3 lần đều về không. “Mọi năm độ dịp tháng 10 âm lịch năm trước là hàu con bám chùm như sung quanh các tảng đá, năm nay trứng hàu thì có thấy mà không thấy hàu lớn được. Mỗi dịp nước từ hồ chứa phía thượng nguồn xả xuống, ngọt cả nửa tháng trời không chỉ hàu mà cá tôm cũng hiếm.” – Anh Xảo rầu rĩ nói.
Không có hàu, chị Đào vợ anh đêm đêm đi đánh lưới tôm kiếm chút tiền rau cháo. Mặt Xảo buồn so, là cái thằng đàn ông đêm ở nhà để vợ mò mẫm một mình đi ra sông, anh có đi thêm “chỉ tổ nặng thuyền”, chân như thế đi trên đất còn khó, chậm lội bùn thì... Nói chuyện hàu anh Xảo hào hứng hẳn gạ vợ “có nhà báo đi cùng, biết đâu đổi vận” rồi hẹn chúng tôi sáng mai đi lặn hàu.
Chật vật gần 1 giờ chúng tôi mới đưa được con thuyền đến khu bãi hàu, vợ chồng anh Xảo lao xuống dòng nước, lặn hụp cả nửa giờ, lên đi tiếp. Ngược thuyền lên tận đến Hàm Ninh rồi lại xuôi về chân cầu Quán Hàu, cả buổi sáng cứ thế xuôi ngược trên dòng Nhật Lệ, hai vợ chồng chốc chốc lại nhào xuống sông... chỉ được đá, tuyệt nhiên không thấy con hàu nào. Trưa đứng bóng đành về, thế là mấy anh nhà báo chúng tôi không đổi được vận cho vợ chồng anh. Cầm mấy tảng đá anh ngắm nghía mãi, chỉ cho chúng tôi mấy vảy hàu non “phải cữ tháng 7 may ra mới có được hàu” anh bảo thế. Từ nay đến tháng 7, bao nhiêu mưa nắng liệu nước có thuận cho những mảy hàu ấy lớn được hay lại “há miệng” dưới sông, mặc cho dân lặn hàu đói đến hết năm?.

“Ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”

Tưởng đã thất bại vì không thể thấy được mặt mũi con hàu nào sau một ngày theo vợ chồng anh Xảo lặn ngụp dưới sông Nhật Lệ. Nhưng rồi, cuối cùng chúng tôi vẫn tìm được người lặn được hàu. Vùng Quán Hàu bây giờ chỉ còn 4 người như thế, đó những người đã học được nghề lặn bình hơi, quyết không chịu đói, mò xuống những ghềnh đá thật sâu nơi chân cầu, hay ngoài cửa biển cạy những con hàu còn sót lại từ những lứa hàu năm trước. Dân Quán Hàu gọi những người này là “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ” hay văn vẻ hơn một chút là “người sống ở đáy sông”.
Ông Võ Văn Đống ở tiểu khu 3, T.T Quán Hàu cũng có mấy chục năm chuyên lặn hàu, 8 năm trước nhờ có bạn bè chỉ dẫn mà học được nghề lặn hơi. Năm nay hàu hiếm quá, nhà đang làm dở thì vợ ốm, mấy tháng trời cứu được người thì hết của, ngôi nhà đành bỏ dở không trát tường cứ thế mà vào ở. Hàng ngày bất kể mưa, nắng hay rét cha con ông cũng phải nhào xuống sông, không xuống sông thì “không có chi bỏ miệng”. Chỗ còn hàu chỉ có mấy cái chân cầu, sâu 15 -20 sải, bê tông, ống cống lởm chởm như những cái bẫy dưới âm phủ. Mà bẫy thực, lưới rách các nơi dồn về mắc lại bùng nhùng, sơ sảy một chút thì không khác chi cá mắc lưới.
Cả ngày trời ngụp lặn dưới đáy sông nhưng vợ chồng anh Xảo không kiếm được con hàu nào.
Cả ngày trời ngụp lặn dưới đáy sông nhưng vợ chồng anh Xảo không kiếm được con hàu nào.
Mỗi đợt lặn chừng 30 phút, được lưng làn hàu vỏ, ngồi trên thuyền nghỉ mặt ông Đống xám nghoét, ở cái tuổi 50, không vì bức bách của hoàn cảnh chắc ông không phải lặn cố thế. Buổi lặn hơi của cha con ông Đống từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều được hơn 30kg hàu vỏ, cũng may cảnh hàu hiếm nên bán được 400 nghìn đồng, trừ chi phí còn hơn 200 nghìn.
Cùng nhóm “người âm” lặn ở chân cầu Nhật Lệ hôm ấy còn có cậu cháu anh Võ Đức Sỹ. Anh Sỹ 44 tuổi ở thôn Phú Bình Cát, xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) có thâm niên 20 năm lặn hơi là đệ nhất cao thủ lặn ở vùng cửa biển Nhật Lệ. Năm nay hàu hiếm, nhờ “cái nghệ” mà anh lại trúng, hàu cũ đúng hàu sông Nhật Lệ bán tận ngọn cho khách quen ăn tại quán nhà, mỗi buổi lặn anh Sĩ kiếm cả triệu bạc. Anh Sỹ coi nghề lặn thực là cái nghiệp, ở dưới đáy sông quen hơn trên bờ.
Lặn hàu hay lặn kiếm sắt, mò đồ, đến cả lặn mò tìm xác người chết việc gì anh cũng kham hết. Lần đầu mò xác người chết tận trên thượng nguồn sông Long Đại, người chết mắc vào đá hôm sau bị lũ vùi sâu dưới bùn, tìm cả tháng trời đến lúc nước chảy lộ ra mới thấy. Sau đợt ấy về phải cạo đầu vì “mùi xác ám vào tóc, gội không sạch được”. Những tưởng sau lần ấy tởn không bao giờ dám mò tìm xác nữa, nhưng rồi cái nghiệp không tránh được “dẫu không muốn nhưng người ta năn nỉ, tội nghiệp lại phải giúp”. Anh còn bảo “làm mãi quen, giờ không thấy sợ chỉ thấy thương”, đời làm nghề lặn anh phải mò đến mấy chục xác người rồi. 
Tôi sang thuyền anh ngồi một lúc thấy anh trồi lên từ dưới nước tay vác quả đạn pháo cao xạ còn nguyên ca-tút, miệng cười khơ khớ. Quả đạn chắc từ thời chiến tranh thuyền vận tải qua sông bị rơi xuống, bến sông này năm xưa là yết hầu đánh phá của Mỹ chặn đường tiếp tế vào chiến trường, những “của lạ” này không hiếm. Anh Sỹ kê quả đạn lên mạn thuyền, cầm dùi đục lớp hà bám ngoài bục... bục, tôi nghe lạnh cả sống lưng, chỉ muốn lao tùm xuống sống mà bơi vào bờ, tránh xa cái... của nợ ấy. Gia đình anh Sỹ có thể nói sống dư giả vào cái nghề lặn nhưng chúng tôi  hỏi cậu con trai 20 tuổi đi theo trông máy hơi cho bố có thích theo cái nghề này không, cậu cương quyết lắc đầu “cực lắm em không theo được”...
                                                                                         Phan Phương

Đăng nhận xét Blogger

 
Top