Đôi tàu du lịch QB1, QB2 như một điểm nhấn trên bản đồ du lịch Hà Nội-Quảng Bình năm 2014. Nhưng để Hà Nội-Quảng Bình xa xôi hóa gần cần có một giải pháp đồng bộ giữa các nhà quản lý, đơn vị vận tải hành khách, công ty lữ hành tổ chức tour tuyến và chủ hệ thống nhà hàng, khách sạn... Nhưng hơn hết, đó là vấn đề quảng bá, giới thiệu những sản phẩm du lịch Quảng Bình, Hà Nội đang sở hữu. Ngay giữa Thủ đô Hà Nội hay khi lang thang cùng du khách trên hành trình tàu QB, chúng tôi nghe rất nhiều ý kiến phàn nàn rằng quyết định chọn Quảng Bình làm điểm đến rồi, nhưng vẫn cứ mù thông tin về Quảng Bình...
Ga Hà Nội, trước giờ QB1 chuyển bánh.
Ga Hà Nội, trước giờ QB1 chuyển bánh.
Tôi còn nhớ, để tháo gỡ vấn đề này, vào đầu tháng 5-2014, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Bình cùng Công ty VTHKĐS Hà Nội cùng ngồi lại với nhau nhằm tìm ra một giải pháp hữu hiệu nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Bính, Phó tổng giám đốc Công ty VTHKĐS Hà Nội, dù QB1 và QB2 có năng động, công suất vận tải lớn đến cỡ nào thì cũng chỉ đi qua 8 ga và dừng lại ở hai điểm đầu cuối Hà Nội, Quảng Bình. 
Riêng Quảng Bình, vấn đề đặt ra là kết nối hợp lý 3 khâu then chốt: vận tải đường sắt, vận tải đường bộ và khách sạn, du lịch lữ hành thành một chuỗi khép kín, giá cả hợp lý, phong cách phục vụ văn minh, lịch sự, tạo cảm giác thoải mái cho khách du lịch. Thu hút khách du lịch ngày càng đông, đến Quảng Bình tham quan nhiều nơi, lưu trú nhiều ngày, sử dụng nhiều sản phẩm du lịch...
Sở Giao thông vận tải Quảng Bình cam kết sẽ cùng với các đơn vị vận tải hành khách trong tỉnh tận dụng tối đa các hình thức kết nối sẵn có và tiếp tục mở thêm các loại hình vận tải, tuyến vận tải phục vụ du khách từ ga Đồng Hới đến các điểm tham quan, du lịch.
Hệ thống xe buýt vẫn giữ vai trò chủ đạo với các tuyến hành trình: Đồng Hới- Phong Nha, Đồng Hới- Ba Đồn, Ba Đồn- Hòn La... Bổ sung thêm hình thức phục vụ du khách bằng xe điện 4 bánh đón khách tại ga Đồng Hới đi các điểm trong nội thành Đồng Hới. Tiếp tục hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải, sử dụng hệ thống xe ô tô khách chất lượng cao, văn minh, lịch sự, giá cả hợp lý đưa đón khách du lịch. Và thực tế Quảng Bình làm được. Du khách từ các tỉnh miền Bắc đến Quảng Bình, xuống ga Đồng Hới, đại diện các công ty lữ hành, đơn vị vận tải đã chờ sẵn nơi sân ga. Trong vòng 20 phút khách về đến khách sạn. Một tiếng đồng hồ sau khách sẵn sàng cho hành trình khám phá Quảng Bình.
Ga Hà Nội chiều tháng sáu, chúng tôi có mặt sớm để quay trở ngược vào Quảng Bình trên tàu du lịch QB1, khởi hành lúc 20 giờ 35 phút. Đến sớm tìm hiểu xem lượng khách du lịch điểm đầu Thủ đô về Quảng Bình có đông hay không? Chị Nguyễn Thị Minh Khai, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình đang làm thủ tục thanh toán tiền vé tại quầy cho mình và cả đoàn gồm 32 người.
Chị Minh Khai bảo: “Sau khi tham khảo thông tin tại một số công ty du lịch lữ hành uy tín tại Thủ đô về Quảng Bình, tập thể giáo viên trường chị quyết định chọn tàu du lịch. Đi tàu có rất nhiều thuận lợi: thủ tục mua vé nhanh chóng; số lượng người đi đông; an toàn hơn đường bộ, đường không. Và điều quan trọng nhất là giá cả hợp lý”.
Anh Hoàng Quốc Long, nhân viên Công ty Du lịch Đại Việt (Hà Nội) tổ chức tour cho du khách đến Quảng Bình bằng tàu hỏa. Sau khi bố trí cho hành khách của đoàn yên vị trong những toa xe trên tàu QB1 anh trở lại cùng chúng tôi bàn luận tiếp câu chuyện du lịch Quảng Bình bằng hỏa xa. Long cho biết Công ty Du lịch Đại Việt là đơn vị đầu tiên kết nối với ngành đường sắt khi Công ty VTHKĐS Hà Nội chủ trương “xuất bến” đôi tàu QB1, QB2.
Nguyên nhân lựa chọn theo lời Long là sự an toàn tuyệt đối cho khách hàng. Trước khi lên tàu, kế hoạch tour, tuyến được hoạch định sẵn, hoàn toàn khép kín trên cơ sở tôn trọng ý kiến du khách. Hoàng Quốc Long đúc kết: “Du lịch bằng tàu hỏa; an toàn, tiết kiệm, tiện ích!”
Cũng trên hành trình cùng tàu QB1 quay trở vào Quảng Bình, phần lớn du khách và ngay cả đại diện các công ty du lịch đều lựa chọn các điểm đến tham quan, lưu trú tại Quảng Bình hết sức giản đơn: tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, thăm động Thiên Đường; viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa- Đảo Yến; tắm biển Nhật Lệ...
Hoàng Quốc Long thật lòng: “Nhiều lúc thấy nhàm... trong lúc đó Quảng Bình còn biết bao nhiêu danh lam, thắng cảnh lịch sử, văn hóa, tâm linh. Du khách đến Quảng Bình lần đầu cảm thấy thú vị, nhưng lần thứ hai, thứ ba trở đi thì... bình thường. Cho nên muốn giữ chân du khách, để du khách năm sau còn muốn quay trở lại, ngành du lịch Quảng Bình cần giới thiệu, quảng bá về quê hương mình nhiều hơn!”.
Ngồi lắc lư cùng đồng nghiệp Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, nghe những lời chân tình từ du khách trên tàu QB1, tôi chợt nhớ đến câu chuyện với ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch trước ngày tôi lãng đãng theo bánh con tàu quay ra bắc, vào nam. Ông Phó giám đốc bảo: “Năm 2014 là một năm thành công của ngành du lịch Quảng Bình. Ước tính có khoảng 1,9 triệu khách đến Quảng Bình những tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày trên dưới 11 nghìn người. Riêng khách viếng mộ Đại tướng trên 83.255 đoàn với 856.311 lượt người”.
Vâng! Ngày Đại tướng an nghỉ ngàn thu trên đất mẹ Quảng Bình và kể từ ngày đó triệu triệu trái tim người dân Việt đều hướng về Vũng Chùa- Đảo Yến. Du khách đến Quảng Bình chưa thăm Vũng Chùa- Đảo Yến, chưa thắp hương viếng Đại tướng xem như... vẫn chưa đến Quảng Bình.
Các phương tiện vận tải liên kết chờ đón khách đi tàu QB1   tại ga Đồng Hới.
Các phương tiện vận tải liên kết chờ đón khách đi tàu QB1 tại ga Đồng Hới.
Ông Kỳ giải thích thêm: Đây là thời gian cao điểm nhé, còn vào những tháng thấp điểm khi Quảng Bình trở trời, bão lụt, vấn đề cần duy trì đôi tàu du lịch QB1, QB2 hay không vẫn đang xem xét. Riêng chuyện quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch Quảng Bình rộng rãi trong cả nước, ngành du lịch tỉnh sẽ xúc tiến tổ chức tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... Hướng kết nối du lịch bằng tàu hỏa trong tương lai không chỉ duy trì đến Hà Nội mà còn vươn xa lên các tỉnh Tây Bắc, đến Lào Cai.
Nhắc đến Tây Bắc... hình như ông Trưởng tàu QB1 rất vui tính, người quận Đống Đa, Hà Nội Ngô Mạnh Tám vừa được ngành đường sắt “biệt phái” từ tuyến Hà Nội-Lào Cai sang tuyến Hà Nội-Quảng Bình. Ngô Mạnh Tám kể từng phục vụ tuyến Hà Nội-Lào Cai hơn 7 năm trời. Từ Hà Nội đến Lào Cai quảng đường 300 cây số nhưng có 28 ga và mất thời gian 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Tuyến Hà Nội- Quảng Bình qua 8 ga, dài gần 500 cây số, chỉ tốn chừng hơn 10 giờ.
“Chuyển sang phục vụ tàu du lịch, hành khách đi tàu trình độ dân trí cao nên đòi hỏi nhân viên chúng tôi phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi kiến thức, thái độ phục vụ, kể cả trình độ ngoại ngữ... Sao cho đôi tàu du lịch QB1, QB2 luôn luôn là hình ảnh đẹp, uy tín trong suy nghĩ của mọi người” - ông Ngô Mạnh Tám chia sẻ giản dị.
9 giờ sáng, QB1 chạm ga Đồng Hới, Trưởng tàu Ngô Mạnh Tám lần lượt xin số điện thoại của chúng tôi, ông bảo: “Sắp xếp công việc xong, mình cho cán bộ, nhân viên của mình ra tắm biển Nhật Lệ, ăn hải sản Quảng Bình. Hẹn gặp lại trên biển chiều nay nhé!.
Làm gì để Hà Nội-Quảng Bình xích lại gần nhau trong một hành trình du lịch khép nối? Chúng tôi đi... kịp ghi lại những gì mình nghe và chứng kiến trên hai chuyến tàu QB1, QB2. Và câu trả lời xin trông chờ vào các nhà quản lý!
>> Bài 1: Theo bánh con tàu quay
Ngô Thanh Long

Đăng nhận xét Blogger

 
Top