(Tin địa phương) – Thời gian qua, nhiều gia đình đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện tạo điều kiện vay vốn vươn lên thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn vay được các hộ sử dụng đúng mục đích, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kể từ khi có chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo, NHCSXH huyện tạo điều kiện với thủ tục hồ sơ, quy trình cho vay tinh gọn. Hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh viết đơn tự nguyện gia nhập vào Ban Quản lý Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) của NHCSXH ở thôn, bản, trình bày phương án sử dụng vốn vay gửi Tổ TK&VV, Tổ tiến hành họp bình xét cho vay, lập danh sách gửi UBND cấp xã xác nhận và chuyển NHCSXH huyện để phê duyệt cho vay, hộ cận nghèo được vay mức tối đa 100 triệu đồng/hộ, lãi suất ưu đãi 0,66%/tháng, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tài sản, được NHCSXH thực hiện giải ngân phát tiền vay ngay tại nơi cư trú.
Năm 2013 thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện chương trình tín dụng nguồn vốn cho vay chỉ có 8,2 tỷ đồng, giải ngân cho vay đến 330 hộ vay, đến nay với tổng dư nợ cho vay của chương trình tăng lên 126,6 tỷ đồng với 2,7 nghìn hộ vay vốn, bình quân dư nợ 46,9 triệu đồng/hộ, không có dư nợ quá hạn. Hiện nguồn vốn đã được đầu tư trên địa bàn 19 xã, thị trấn, phủ kín đến 100% thôn, bản trên địa bàn huyện, nguồn vốn cho vay được các hộ cận nghèo đầu tư chủ yếu vào chăn nuôi đàn gia súc sinh sản, trồng rừng nguyên liệu và kinh doanh dịch vụ, đa số các hộ cận nghèo đã đầu tư sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành trả lãi đầy đủ cho NHCSXH, đồng vốn đang ngày càng phát huy tốt hiệu quả, một số xã có dư nợ cho vay lớn như: Thanh Hóa 14,7 tỷ đồng, Thạch Hóa 14,6 tỷ đồng, Mai Hóa 12,3 tỷ đồng và Kim Hóa 11,8 tỷ đồng.
Với nguồn vay vốn của NHCSXH huyện, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư làm trang trại tổng hợp chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò kết hợp với trồng cây keo, tràm và các loại cây khác. Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo mà tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Tuyên Hóa giảm dần từng năm, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.
Thời gian tới, để nguồn vốn chương trình phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm sử dụng vốn, đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn; đồng thời, rà soát nắm danh sách đối tượng có nhu cầu vay để hướng dẫn, tạo điều kiện cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ dân.
Nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo được xem là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các hộ dân. Nguồn vốn cho hộ cận nghèo kịp thời “tiếp sức” cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, để đồng vốn chính sách được sử dụng hiệu quả, chính quyền các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn cần định hướng, tư vấn cho hộ vay về phương án làm ăn khi vay; tăng cường giúp đỡ, giám sát hộ vay trong quá trình sử dụng vốn… qua đó, giúp cho hộ vay hạn chế được các rủi ro, vốn đầu tư sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Đặng Hà
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Bình
Link bài gốc: https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/tuyen-hoa-co-2-7-nghin-luot-ho-can-ngheo-duoc-vay-von-dau-tu-san-xuat-kinh-doanh.htm
Nguồn: Tin Quảng Bình
Đăng nhận xét Blogger Facebook