Sống giữa miền núi cao, từ xa xưa người Minh Hóa đã sáng tạo ra những nếp nhà bằng gỗ mà ẩn chứa trong đó là một gia tài văn hóa riêng có về kiến trúc. Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại nhưng xen lẫn bên những ngôi nhà cao tầng khang trang, mái bằng kiên cố, vẫn có những ngôi nhà gỗ hàng trăm năm tuổi được lưu giữ, góp phần quan trọng phản ánh nét văn hóa đặc thù của các thế hệ cư dân sinh sống trên vùng đất sơn cước này.
Những loại nhà cổ xưa của người Minh Hóa
Ðến thị trấn sơn cước Quy Ðạt, chúng tôi gặp ông Ðinh Xuân Ðình, Chi hội trưởng Chi hội Di sản Việt Nam huyện Minh Hóa, được ông giúp hiểu hơn về gia tài văn hóa kiến trúc nhà ở riêng có của người Minh Hóa.
Theo ông Đình, người Minh Hóa xưa chủ yếu sống trong các căn nhà pè. Đây là một loại nhà phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số của người dân Minh Hóa lúc bấy giờ nên còn gọi là nhà “bình dân”. “Nhà pè là loại nhà có từ 1 đến 3 gian, cột trồng xuống nền sâu từ 50-60cm, mái lợp lá tranh, phên (tường) được làm bằng đất sét trộn rơm. Đây là kiểu nhà khá đơn giản nên phần lớn đều do người dân tự giúp nhau làm lấy mà không tốn tiền thuê thợ thầy…”, ông Đình cho biết.
Ngôi nhà rường trên 100 tuổi của ông Đinh Minh Hộ ở thị trấn Quy Đạt.
Thời gian sau đó, khi một số người có chức sắc, có tiền của như chánh tổng, lý trưởng… muốn ở trong những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ hơn nên đã cất công mời những người thợ mộc lành nghề về dựng nhà. Theo yêu cầu của gia chủ, cũng như dưới con mắt tinh nghề của những người thợ, lúc này người Minh Hóa đã sáng tạo ra 3 loại nhà rường gồm: rường trính (hay còn gọi là nhà vỏ đậu, đây là loại nhà rường cụt, phía đầu rường có hình như vỏ đậu, được chạm khắc rất tinh xảo), rường tránh (rường có cánh) và nhà chữ đinh (có cột chính cao tận nóc nhà).
Trong các loại nhà nêu trên, những người “có địa vị” ưa chuộng nhất vẫn là loại nhà rường trính, vì đây là loại nhà được thiết kế thoáng đãng, âm dương hòa hợp, chạm khắc hoa văn tinh xảo, độc đáo. Nhà rường trính gồm 3 loại: nhà 5 lòng, 4 lòng, 3 lòng…Nhà 5 lòng là loại nhà lớn nhất với 6 hàng cột, gồm 2 cột thượng, 2 cột trung, 1 cột cù ở phía trước và cột chái ở phía sau. Nhà 4 lòng có 5 hàng cột, gồm 2 cột thượng, 1 cột trung và 1 cột cù ở phía trước, 1 cột chái ở phía sau. Nhà 3 lòng gồm 4 hàng cột, trong đó 2 cột mạ (thay cột thượng), 1 cột con ở phía trước và 1 cột chái ở phía sau. Theo nhu cầu sử dụng và điều kiện kinh tế mà gia chủ đặt người thợ làm loại nhà to, nhỏ cho phù hợp…
Ông Đinh Xuân Bái (79 tuổi) ở thôn Cây Da, xã Xuân Hóa (Minh Hóa) là một trong những người thợ mộc lành nghề còn lại của huyện Minh Hóa. Ông Bái làm thợ cả từ năm 22 tuổi và trong cuộc đời làm thợ của mình ông đã dựng trên 500 ngôi nhà rường các loại cho người dân trên địa bàn huyện Minh Hóa.
Ông Bá cho biết, trung bình để dựng được một căn nhà rường, đội thợ của ông gồm 8 người phải làm mất 6 tháng. Một người thợ giỏi phải nắm bắt được kỹ thuật đục đẽo chuẩn xác, chi tiết để các mộng phải kín vào nhau. Đặc trưng của nhà rường là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế và hầu như không dùng đến đinh vít, thay vào đó dùng mộng để lắp ghép. Như vậy, kết cấu của ngôi nhà vừa bền chắc vừa thể hiện được sự hài hòa, thuận theo tự nhiên…
Ngôi nhà rường trình hơn trăm tuổi
Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại nhưng xen lẫn bên những ngôi nhà cao tầng khang trang, mái bằng kiên cố, người dân Minh Hóa vẫn lưu giữ được những căn nhà rường bằng gỗ mà ẩn chứa trong đó là nét văn hóa riêng có của nhiều thế hệ cư dân sinh sống trên vùng đất sơn cước này.
Theo chân ông Đinh Xuân Đình, chúng tôi đến thăm ngôi nhà rường hơn 100 năm của ông Đinh Minh Hộ (75 tuổi) ở thị trấn Quy Đạt. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hộ cho biết, ông là đời thứ 3 được thừa hưởng ngôi nhà này. Trước đây, ngôi nhà thuộc sở hữu của một vị lý trưởng và được ông cố nội của ông Hộ mua lại.
Đây là ngôi nhà được làm theo kiểu kiến trúc rường trính, 3 gian, 4 lòng… Phần trính (rường) của ngôi nhà được làm bằng gỗ mun sọc quý hiếm, còn phần cột được làm bằng gỗ gõ và táu hàng trăm tuổi được lấy từ rừng trên núi đá vôi. Xưa căn nhà này có vách bằng ván thưng, nhưng do mưa gió, thời gian, vách ván bị mục nên ông Hộ dùng gạch vữa xây bao quanh.
Chạm vào ngôi nhà này như chạm vào nét văn hóa kiến trúc đặc thù riêng có của người Minh Hóa xưa. Dù thời gian đã bào mòn nhiều bộ phận của ngôi nhà nhưng bộ “rường cột” bằng gỗ quý, đặc biệt bộ trính bằng gỗ mun với nhiều họa tiết hoa văn được chạm khắc công phu vẫn lên nước sáng bóng. “Có không ít người từ Đồng Hới lên muốn tui ra giá để mua, nhưng tui không bán, bởi ở huyện Minh Hóa bây giờ không thể kiếm đâu ra căn nhà “thượng mun, hạ gõ” quý như thế này nữa mô.”, ông Hộ tự hào nói.
Có thể nói, mỗi nếp nhà xưa là một câu chuyện đầy hấp dẫn về sự hình thành và vẻ đẹp kiến trúc thăng trầm theo năm tháng. Nó còn phản ánh nét văn hóa đặc thù của các thế hệ cư dân Minh Hóa sinh sống trên vùng đất sơn cước này. Thế nhưng, hiện nay, những nếp nhà rường cổ xưa của người dân Minh Hóa đang dần mất đi bởi cuộc sống hiện đại chi phối. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị những ngôi nhà rường xưa là một việc làm rất cần thiết.
Theo ông Đinh Xuân Đình, Chi hội trưởng Chi hội Di sản Việt Nam huyện Minh Hóa thì do nhiều nguyên nhân, hiện nay, việc tìm kiếm, bảo tồn và phát huy giá trị của những ngôi nhà rường xưa vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
“Để bảo tồn và phát huy giá trị nhà rường cổ của người Minh Hóa xưa trong đời sống hiện nay cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và chủ nhân của ngôi nhà, sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Các cơ quan hữu trách cần động viên, giúp đỡ, hỗ trợ chủ nhân nhà cổ có phương pháp, kinh nghiệm bảo quản, chống mối mọt. Cần giới thiệu và hướng dẫn các đoàn khách du lịch đến tham quan, để chủ nhân có thêm nguồn kinh phí bảo tồn và phát huy giá trị những ngôi nhà rường cổ…”, ông Đình hiến kế.
Phan Phương
Nguồn tin: Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202007/trong-nep-nha-xua-cua-nguoi-minh-hoa-2179583/
Nguồn: Tin Quảng Bình
Đăng nhận xét Blogger Facebook