(*) – Thực hiện Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai đồng bộ, thu hút các thành phần kinh tế, tổ chức kinh tế và người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân sống gần rừng.  
Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch đặc dụng trên địa bàn tỉnh là 121.450,92 ha rừng. Tỉnh đã giao cho 02 đơn vị gồm Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Ban Quản lý Khu bảo vệ cảnh quan quản lý. Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã huy động được 122.734 triệu đồng đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 37.414 triệu đồng, vốn huy động khác 85.230 triệu đồng.


Trên địa bàn tỉnh hiện đã có 01 cơ sở sản xuất giống công nghệ nuôi cấy mô, chủ yếu sản xuất cây keo lai mô với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng, được đầu tư từ vốn tự có và một phần vốn Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo, công suất sản xuất tối đa 07 triệu cây/năm; 65 vườn ươm cây giống lâm nghiệp, quy mô sản xuất chủ yếu vừa và nhỏ với tổng công suất đạt 50 triệu cây/năm; 33 ha rừng giống (phi lao, huỷnh, thông nhựa, thông Caribê), 01 vườn giống vô tính cây thông nhựa với diện tích 26,6 ha và một số diện tích trồng vườn cây đầu dòng cung cấp hom keo lai, 06 ha rừng giống trồng keo lưỡi liềm mới đầu tư trồng năm 2017. Toàn tỉnh có 13 nhà máy sản xuất dăm giấy (công suất bình quân từ 120.000 tấn/năm đến 180.000 tấn/năm), 09 cơ sở sản xuất gỗ lạng, tinh chế và các loại lâm sản ngoài gỗ khác, hầu hết các cơ sở chế biến gỗ tinh sâu có quy mô nhỏ, công nghệ còn lạc hậu và chưa đồng bộ; gỗ khai thác từ rừng trồng chủ yếu phục vụ cho chế biến dăm gỗ.


Tăng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia trồng rừng sản xuất 


Việc triển khai thực hiện chính sách theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển rừng, đặc biệt là rừng trồng sản xuất, đa số người dân hưởng ứng tích cực. Diện tích rừng tự nhiên tiếp tục được quản lý bảo vệ tốt, hạn chế tối đa tình trạng chặt phá rừng trái phép, chất lượng rừng được duy trì với cấu trúc giàu về trữ lượng gỗ, đa dạng về thành phần loài, nguồn gen động vật, thực vật rừng; rừng trồng phòng hộ được đầu tư trồng bằng các loài cây bản địa có giá trị bảo tồn gen và bảo vệ môi trường sinh thái; rừng trồng sản xuất tiếp tục được phát triển bền vững về diện tích và sản lượng gỗ; từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến đồ gỗ gia dụng và nguyên liệu giấy…


Chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg đã góp phần đẩy mạnh xã hội hóa ngành Lâm nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế, tổ chức kinh tế và người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân sống gần rừng, cơ cấu thu nhập hộ kinh tế gia đình miền núi có chuyển dịch theo hướng từ nông nghiệp sang lâm nghiệp, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội đặc biệt là vùng biên giới. Theo số liệu thống kê từ các địa phương, đơn vị, giai đoạn 2016 – 2019, thu nhập từ các hoạt động sản xuất lâm nghiệp ở các hộ gia đình có tham gia trồng rừng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập hộ gia đình.


Về thực hiện chính sách đầu tư và phát triển rừng đặc dụng theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg cũng đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho các khu rừng đặc dụng trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Thông qua chính sách, hầu hết các thôn bản có ranh giới tự nhiên tiếp giáp với các khu rừng đặc dụng được hợp đồng khoán bảo vệ rừng và thực hiện hỗ trợ cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân với diện tích rừng nhận khoán nhằm giảm áp lực lên tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác quản lý bảo vệ rừng; góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân vùng đệm, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng địa phương với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng.


Tuy nhiên, nguồn vốn để đầu tư đang còn hạn chế, vốn Trung ương cấp hàng năm chưa đáp ứng đủ nhu cầu để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, trong khi nguồn ngân sách địa phương còn gặp nhiều khó khăn, khó đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách được quy định. Mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất từ ngân sách Nhà nước còn thấp, mới đáp ứng khoảng 12% so với chi phí mà người dân phải bỏ ra để đầu tư trồng rừng gỗ lớn, phần lớn các hộ gia đình tham gia trồng rừng đều có kinh tế khó khăn, thu nhập từ việc đầu tư trồng rừng mang lại thấp, thời gian thu hồi vốn dài… nên chưa thu hút được các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Cơ chế hỗ trợ sau đầu tư, cơ chế giải ngân đối với hỗ trợ trồng rừng sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Chi phí quản lý dự án đối với hoạt động bảo vệ và phát triển rừng quy định chưa thống nhất. Chính sách bảo hiểm nông nghiệp hiện nay chưa điều chỉnh đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm đối với các loài cây lâm nghiệp, do vậy chưa thực sự khuyến khích các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đầu tư trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn.


Về thực hiện Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng còn những hạn chế như mức vốn Trung ương hỗ trợ hàng năm mới chỉ đáp ứng nhu cầu 50% diện tích cần bảo vệ. Mức hỗ trợ bảo vệ rừng đặc dụng còn quá thấp nên các ban quản lý rừng đặc dụng gặp rất nhiều khó khăn trong khoán bảo vệ rừng, chưa tạo được động lực cho các đối tượng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Chính sách hỗ trợ đầu tư vùng đệm chưa hợp lý, tiêu chí lựa chọn thôn, bản được nhận hỗ trợ đầu tư chưa quy định rõ ràng. Giai đoạn 2016 – 2020 bình quân có 19 thôn, bản tiếp giáp với ranh giới Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được hỗ trợ cộng đồng (đạt 37% tổng số các thôn bản có ranh giới giáp ranh). Còn nhiều thôn, bản khó khăn, đảm bảo tiêu chí nhưng không được hỗ trợ để phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giảm áp lực lên khai thác tài nguyên Vườn Quốc gia.


Thời gian tới, thiết nghĩ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đề xuất Chính phủ tăng ngân sách đầu tư có trọng điểm cho công tác quản lý bảo vệ rừng, đầu tư kinh phí để xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ như đường lâm nghiệp, đường ranh phòng cháy, chữa cháy rừng, Trạm kiểm lâm, Trạm bảo vệ rừng, Chòi canh lửa, Bảng thông tin tuyên truyền…; hỗ trợ đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.


Bên cạnh đó, Bộ cần đề xuất Chính phủ tăng mức vốn đầu tư cho trồng rừng phòng hộ, đặc dụng hoặc quy định mức đầu tư cho trồng rừng phòng hộ, đặc dụng theo thiết kế dự toán được duyệt, đảm bảo phù hợp với giải pháp trồng và chăm sóc rừng trồng phòng hộ tại Thông tư 29/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như tình hình thực tế tại địa phương; tăng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia trồng rừng sản xuất và đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí ban đầu nhằm khuyến khích phát triển rừng, đồng thời để chi trả một phần giá trị môi trường rừng do trồng rừng mang lại và bù đắp lợi nhuận thấp do tính đặc thù của nghề rừng”.


Mặt khác, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ đầu tư các cơ sở sản xuất giống, nguồn giống chất lượng cao, bao gồm cả đầu tư trung tâm giống công nghệ cao; tăng cường chính sách hỗ trợ khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp từ khâu sản xuất giống, trồng rừng đến khai thác, tiêu thụ sản phẩm; có chính sách bảo hiểm rừng trồng sản xuất gỗ lớn để khuyến khích người dân yên tâm đầu tư trồng rừng gỗ lớn; quy định cơ chế giải ngân đặc thù (vốn đầu tư công) đối với các dự án lâm nghiệp phù hợp với thực tế sản xuất theo mùa vụ, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện đúng quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.


Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng trong giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ cần tăng mức hỗ trợ bảo vệ rừng đặc dụng; tăng định mức hỗ trợ cộng đồng cho toàn bộ các thôn bản có ranh giới tự nhiên tiếp giáp với rừng đặc dụng; bổ sung quy định nhằm thu hút đầu tư từ nhiều thành phần khác nhau trong công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng, bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học.


N.Q



Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Bình


Link bài gốc: https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/tang-muc-ho-tro-de-khuyen-khich-nguoi-dan-tham-gia-trong-rung-san-xuat.htm





Nguồn: Tin Quảng Bình

Đăng nhận xét Blogger

 
Top