Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến hàng chục nghìn lao động tỉnh Quảng Bình bị mất việc làm, hoặc ngừng việc tạm thời. Đời sống và việc làm của người lao động vì thế bị ảnh hưởng nặng nề


Gần 4 tháng qua, chị H.M, công nhân Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trường Thành, đóng tại Khu công nghiệp Tây Bắc, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) phải nghỉ việc do công ty cắt giảm hoạt động.


Cuộc sống trở nên khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chị cho biết, đồng lương công nhân tuy không cao, nhưng cũng bảo đảm được mức sống ổn định.


Từ khi dịch bệnh bùng phát, công ty đã cố gắng để bảo đảm việc làm cho công nhân bằng các hoạt động tùy từng mức độ tình hình dịch bệnh. Nhưng bây giờ thì nhiều lao động của công ty phải nghỉ việc, trong đó có chị H.M…


Chị Ngọc Loan, một lao động có công việc bấp bênh do dịch bệnh Covid-19, cũng lo lắng: “Công việc không ổn định, hôm nghỉ, hôm làm nên thu nhập thấp, không đủ để trang trải cuộc sống với bao lo toan về chi phí sinh hoạt, con cái học hành…”.


Quảng Bình: Lao động chật vật xoay xở vì mất việc làm


Sàn giao dịch việc làm thực hiện đổi mới hình thức các phiên giao dịch để thu hút doanh nghiệp và người lao động tham gia tuyển dụng.


Theo tìm hiểu, tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trước khi đi đến việc chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ, đa số các doanh nghiệp đều đã xoay xở đủ cách để cố gắng duy trì sản xuất nhằm giữ chân NLĐ.


Một số doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp tình thế, như: thực hiện luân phiên bố trí cho NLĐ nghỉ phép hưởng nguyên lương trong thời gian có dịch; bố trí cho NLĐ sản xuất cầm chừng, cho NLĐ ngừng việc và trả lương trong thời gian ngừng việc (theo mức lương cơ bản hoặc trả từ 50-80% mức lương cơ bản)… và cuối cùng là giải pháp tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ.


Theo số liệu từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia, trong đó, có Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt là từ tháng 3, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực.


Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.500 doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, tạm dừng hoạt động hoặc thông báo phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến gần 50.000 lao động buộc tạm ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương hoặc mất việc làm.


Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ giải quyết việc làm cho gần 13.000 lao động (giảm 28,5% so với cùng kỳ năm trước), trong đó, số người được tạo việc làm khoảng 6.700 người, số lao động thiếu việc làm được tạo thêm việc làm trên 6.300 người.


Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, thực tế cho thấy, đa số các doanh nghiệp “cắt giảm” NLĐ ở thời điểm này là một lựa chọn khó khăn, nhưng không còn cách nào khác. Bởi hiện tại không có đơn hàng để sản xuất thì doanh nghiệp cũng không thể chăm lo, bảo đảm việc làm cho NLĐ.


Lao động bị nghỉ việc cũng đồng nghĩa với việc khi bước vào thời kỳ “hậu dịch bệnh”, tình hình sản xuất đã ổn định trở lại, doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán khó là thiếu lao động, trong khi việc tìm tuyển lao động ngày càng trở nên khó khăn…


Chính vì vậy, đa số các doanh nghiệp đều mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ bằng các hình thức, như: tạm dừng đóng BHXH, giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do phải chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng việc ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…


Đặc biệt, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài buộc phải gián đoạn.


Tính đến hết quý II-2020, toàn tỉnh có khoảng 600 lao động được tuyển dụng và xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chỉ mới đạt 17,6% so với kế hoạch năm, chủ yếu đi các thị trường, như: Đài Loan (181 lao động), Hàn Quốc (95 lao động), Nhật Bản (280 lao động)…


Ông Phan Nam, Trưởng phòng Chính sách lao động (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, theo dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2020 có thể xảy ra hai tình huống. Nếu dịch Covid-19 diễn biến xấu, một số ngành dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…) và công nghiệp-xây dựng (ngành may mặc, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng…) sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, kéo theo lao động ngừng việc, nghỉ việc tăng cao.


Trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và NLĐ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động xuất nhập khẩu bị gián đoạn.


Trong 6 tháng cuối năm 2020, ngành LĐ-TB-XH phấn đấu giải quyết việc làm cho trên 17.000 lao động, trong đó, số lao động được tạo việc làm 8.400 người, số lao động được tạo thêm việc làm do thiếu việc làm 8.600 người; duy trì tỷ lệ thất nghiệp toàn tỉnh đến cuối năm ở mức 2,1%.


Để đạt được những kết quả trên, các cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động, việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm chú trọng công tác giải quyết việc làm gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho NLĐ.


Theo ông Phan Nam, nhằm triển khai tốt công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các địa phương trong tỉnh, nhất là huyện Bố Trạch, TX. Ba Đồn…, cần có giải pháp phù hợp để giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc; tổ chức các khóa đào tạo định hướng xuất khẩu lao động để tạo nguồn kịp thời cho các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ kinh phí đào tạo định hướng cho con em hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ và hộ di dời giải tỏa mất đất sản xuất để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, chú trọng hoạt động hỗ trợ vay vốn để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.


Cùng với đó, ông Nguyễn Thanh Phương cho rằng, với mục đích giúp cho NLĐ tìm được việc làm phù hợp, các trung tâm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm phải tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm định kỳ; đồng thời, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thông tin thị trường lao động cho NLĐ dễ dàng tiếp cận.


Mặt khác, với tình hình như hiện nay, Công đoàn cấp trên cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp để có các giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó, tiếp tục nắm chắc tình hình quan hệ lao động, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với NLĐ bị ngừng việc do dịch bệnh Covid-19. Đối với công đoàn cơ sở, phải tham gia với người sử dụng lao động xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc và các khoản phúc lợi khác cho NLĐ trong thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định.


Đặc biệt, Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ vào nguồn lực tài chính công đoàn và vận động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn thuộc các doanh nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, bị nợ lương, mất việc làm hoặc do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản… do dịch bệnh Covid-19 nhằm hỗ trợ NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn.


Theo Thùy Lâm


Báo Quảng Bình




Nguồn: Tin Quảng Bình

Đăng nhận xét Blogger

 
Top