(*) – Hiện nay, bệnh chết héo cây keo do nấm Ceratocytis manginecans đã xuất hiện ở nhiều địa phương nước ta. Trong 6 tháng đầu năm 2020, diện tích rừng trồng keo bị chết xấp xỉ 100 ha, gây thiệt hại cho người trồng rừng.
Để phòng, chống kịp thời bệnh chết héo cây keo, tránh nguy cơ bệnh lây lan và bùng phát thành dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn số 5503/BNN-TCLN khuyến cáo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, thực hiện phòng, chống bệnh chết héo cây keo.
Cụ thể, triệu chứng điển hình của bệnh chết héo keo lai, keo tai tượng và keo lá tràm do nấm Ceratocystis manginecans gây ra là trên thân hoặc cành cây bị bệnh có những vết loét, thâm hoặc vết lõm ở phần vỏ cây. Vỏ và gỗ xung quanh vị trí vết bệnh bị đổi màu đậm hơn bình thường, có thể chảy nước hoặc sùi bọt. Phần gỗ ở vị trí vết bệnh bị biến màu, gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo, nhưng lá vẫn chưa rụng. Sau một thời gian, lá bị khô, rụng và cây chết.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh cần tiếp nhận thông tin về bệnh và hướng dẫn xử lý bệnh. Các chủ rừng khi phát hiện rừng bị bệnh cần báo ngay cho cơ quan Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cơ quan Kiểm lâm sở tại để xử lý kịp thời.
Các biện pháp phòng bệnh gồm: Hạn chế trồng keo ở nơi có lượng mưa bình quân trên 2.400 mm/năm. Ở nơi đã xuất hiện bệnh, cần xử lý thực bì và làm đất theo khuyến cáo của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm loại bỏ hoặc diệt trừ mầm bệnh; xử lý thực bì trước khi trồng 3 tháng; đào hố trước khi trồng ít nhất 1 tháng; tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng keo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với các lô rừng được trồng từ chu kỳ 3 trở lên có dấu hiệu giảm năng suất so với chu kỳ trước, cần bón bổ sung phân vi lượng; nên trồng rừng vào đầu mùa mưa; quá trình bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng cần tránh không gây tổn thương đến thân, cành, rễ của cây; sử dụng phân có hàm lượng đạm thấp khi bón thúc; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bệnh hại cây rừng; định kỳ điều tra bệnh cây ít nhất 1 lần/tháng trên các ô tiêu chuẩn được bố trí theo phương pháp hệ thống ngẫu nhiên trên lô; xử lý cây bị bệnh; trồng lại rừng sau khi thanh lý rừng bị bệnh.
N.Q
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Bình
Link bài gốc: https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/khuyen-cao-phong-chong-benh-chet-heo-cay-keo.htm
Nguồn: Tin Quảng Bình
Đăng nhận xét Blogger Facebook