(Chỉ đạo-Điều hành) – Ngày 30/7/2020, UBND tỉnh tổ chức buổi kiểm tra hiện trường và họp bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện của 03 dự án: gồm dự án Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, Dự án Môi trường bền vững thành phố Đồng Hới và Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, do đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang chủ trì. Tham dự buổi kiểm tra hiện trường và làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh, Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Đồng Hới; Các xã, phường: Nghĩa Ninh, Đức Ninh Đông, Bảo Ninh; các đơn vị liên quan: Các đơn vị trích đo, GPMB, Điện lực Quảng Bình, Điện lực Đồng Hới, Công ty CP cấp nước Quảng Bình, Trung tâm Công viên – Cây xanh Đồng Hới, Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình và các Nhà thầu thi công. Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới báo cáo tình hình tiến độ dự án, những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị đề xuất trong công tác bồi thường, GPMB, chồng lấn dự án và ý kiến tham gia của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang kết luận:
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương để đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang nhằm tạo tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu nhập của người lao động, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công về đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng… Đến thời điểm hiện tại, công tác giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ giải ngân tăng so với thời gian trước nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, đặc biệt các dự án sử dụng vốn ODA có tỷ lệ giải ngân rất thấp.
1. Đối với Dự án Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông do Sở Giao thông vận tải làm Chủ đầu tư:
Dự án Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 do Sở Giao thông Vận tải làm Chủ đầu là dự án sử dụng nguồn vốn TPCP giai đoạn 2017-2020, nguồn vốn kéo dài 2018, 2019 sang 2020 là 234 tỷ đồng, đã giải ngân từ đầu năm 2020 đến nay là 81,6/234,3 tỷ đồng (đạt 35%), dự kiến giải ngân từ nay đến 31/8/2020 giải ngân thêm 98,3 tỷ đồng. Theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, số vốn kéo dài này chỉ được giải ngân đến 31/8/2020. Để đảm bảo đến 31/8/2020 giải ngân tối đa số vốn của Dự án và số vốn trong năm 2020 giải ngân hết 100%, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện quyết liệt một số nội dung sau:
1.1. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, giải ngân tối đa nguồn vốn bố trí trước 31/8/2020 trên các phạm vi có mặt bằng thi công, đảm bảo chất lượng, bàn giao mặt bằng đến đâu, thi công hoàn thiện đến đó; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, chồng lấn dự án…
1.2. Yêu cầu UBND thành phố Đồng Hới tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB của Dự án để đảm bảo bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư thi công dự án. Trong đó, lưu ý đến các vấn đề cụ thể như sau:
– Giao UBND thành phố Đồng Hới chủ trì, phối hợp với các bên liên quan thành lập “Tổ công tác” trực tiếp chỉ đạo tập trung quyết liệt để xử lý dứt điểm các vướng mắc bồi thường GPMB còn lại trước ngày 15/8/2020. Với tinh thần nếu đã giải quyết đúng, đủ các quyền lợi: Tổ chức tuyên truyền và đối thoại, nếu người dân không chấp hành thì xây dựng phương án để tổ chức bảo vệ thi công và cưỡng chế theo đúng quy định của Pháp luật; trong quá trình thực hiện lưu ý phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, không được để xảy ra điểm nóng.
– Tại xã Bảo Ninh: (i) Chỉ đạo UBND xã Bảo Ninh và Ban QLDA ĐTXD & PTQĐ thành phố Đồng Hới tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích cho các hộ dân để các hộ dân đồng thuận, chấp hành trong việc thực hiện công tác bồi thường, GPMB và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là 21 hộ dân còn lại chưa nhận tiền đền bù theo phương án đã phê duyệt. Trường hợp các hộ vẫn không nhận tiền thì hoàn thiện các thủ tục để cưỡng chế trước ngày 10/8/2020; (ii) Đối với 04 nhà máy đá của các hộ dân xã Bảo Ninh: chỉ đạo Ban QLDA ĐTXD & PTQĐ thành phố Đồng Hới khẩn trương hoàn thiện phương án bồi thường theo ý kiến của Hội đồng thẩm định giá của tỉnh, thực hiện các thủ tục để phê duyệt; Tổ chức đối thoại để thực hiện GPMB trước ngày 15/8/2020; (iii) Đối với 19 hộ có đất bị thu hồi chưa phê duyệt phương án: chỉ đạo Ban QLDA ĐTXD & PTQĐ thành phố Đồng Hới khẩn trương hoàn thiện phương án bồi thường, thực hiện các thủ tục để phê duyệt, thực hiện GPMB trước ngày 15/8/2020.
– Tại phường Đức Ninh Đông: Chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Đồng Hới phối hợp với UBND phường Đức Ninh Đông rà soát lại hồ sơ tài liệu liên quan để giải quyết dứt điểm bồi thường GPMB đối với hộ ông Nguyễn Văn Hiệp và hộ ông Hoàng Văn Điệt. Trường hợp các hộ vẫn không nhận tiền thì hoàn thiện các thủ tục để cưỡng chế theo đúng quy định trước ngày 10/8/2020.
1.3. Đối với việc chồng lấn mặt bằng thi công giữa dự án Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông (do Sở Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư) với Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới và Dự án Môi trường bền vững thành phố Đồng Hới (do Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới quản lý, điều hành dự án): Yêu cầu Ban Quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải để đảm bảo tính đồng bộ giữa 02 dự án, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư công và chậm tiến độ các gói thầu Tuyến kết nối 2 và Tuyến kết nối 4 của dự án Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông do Sở Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư, cụ thể:
– Tại Tuyến kết nối 2:
+ Đối với đoạn tuyến phía Đông dọc bờ sông Nhật Lệ (L=2.904m): Yêu cầu Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới tập trung chỉ đạo nhà thầu thi công lắp đặt xong cống thoát nước thải trên phạm vi GPMB, bàn giao lại toàn bộ mặt bằng cho Sở Giao thông Vận tải trước ngày 05/8/2020 để thi công hoàn thiện mặt đường. Trường hợp Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới không thực hiện bàn giao mặt bằng trước ngày 05/8/2020 như cam kết thì Sở Giao thông Vận tải vẫn thi công thảm bê tông nhựa mặt đường theo kế hoạch, Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới chịu trách nhiệm về việc chậm tiến độ và có giải pháp kỹ thuật thi công để không làm ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường bê tông nhựa đã thảm.
+ Đối với đoạn tuyến từ mố phía Đông cầu Nhật Lệ đến nút giao với đường Nguyễn Thị Định (L=250m): (i) UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép điều chỉnh vị trí đường ống thoát nước mưa, nước thải từ vĩa hè về phía giải phân cách của đường gom nhánh phía Nam để tránh ảnh hướng đến công trình của dân dọc tuyến; (ii) Yêu cầu Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới khẩn trương triển khai thi công ngay các hạng mục thoát nước mưa, nước thải, bàn giao mặt bằng cho Sở Giao thông Vận tải trước ngày 10/8/2020 để thi công hoàn thiện mặt đường.
– Tại tuyến kết nối 4: Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Ban quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới xử lý điều chỉnh thiết kế BVTC giữa các Gói thầu số 21 (do Sở Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư) và Gói thầu DH -1.7, DH – 1.8 (do Ban quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới làm Chủ đầu tư) nhằm hạn chế việc đào, cắt mặt đường hiện hữu, giảm chi phí vốn đầu tư, đảm bảo an toàn giao trong quá trình vừa thi công vừa khai thác. Thời gian thực hiện: Hoàn thành trước ngày 15/8/2020.
1.4. Đối với xử lý kỹ thuật Gói thầu số 14 tại các nút giao: Tuyến chính – Tuyến tránh TP Đồng Hới, Lê Lợi – Phạm Văn Đồng: Để phù hợp với điều kiện khai thác giao thông trong lúc chờ các dự án khác xây dựng hoàn thành nút giao theo quy hoạch được duyệt. UBND tỉnh thống nhất chủ trương trước mắt cho phép Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh phương án tổ chức giao thông tại các nút giao nêu trên theo kiểu nút giao thông cùng mức dạng ngã ba, tổ chức điều khiển giao thông bằng tín hiệu đèn kết hợp vạch sơn, biển báo. Phần còn lại, các chủ đầu tư sẽ lắp đặt đèn tín hiệu hoàn thiện khi có mặt bằng hoàn thiện nút giao theo đúng quy hoạch.
1.5. Đối với việc di dời công trình HTKT bị ảnh hưởng đoạn tuyến từ mố phía Đông cầu Nhật Lệ đến nút giao với đường Nguyễn Thị Định (L=250m): Yêu cầu các Chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật (gồm: Điện lực Đồng Hới, Công ty CP cấp nước Quảng Bình, Trung tâm Công viên – Cây xanh Đồng Hới, Công ty CP Môi trường và phát triển đô thị Quảng Bình) chủ động và khẩn trương di dời, bàn giao mặt bằng trước ngày 04/8/2020.
1.6. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải rà soát cân đối, bố trí nguồn vốn mới cho Dự án trong trường hợp công trình còn dở dang do vướng công tác GPMB.
2. Đối với Dự án Môi trường bền vững thành phố Đồng Hới và Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới:
2.1. Đối với đề nghị bổ sung cầu tạm phục vụ dân sinh trong quá trình thi công cầu Cống Mười:
– Phương án phân luồng giao thông theo hướng tuyến đường 23/8 như hiện nay về cơ bản đảm bảo lưu thông và không gây trở ngại đáng kể đối với việc đi lại của người dân trên địa bàn phường Đức Ninh Đông, yêu cầu UBND phường Đức Ninh Đông tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc phương án phân luồng giao thông nêu trên trong quá trình thi công cầu.
– Yêu cầu Ban QLDA có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ để rút ngắn thời gian thi công, hoàn thành cầu Cống Mười trong thời gian sớm nhất.
2.2. UBND Thành phố Đồng Hới chỉ đạo UBND xã Bảo Ninh tích cực phối hợp với Ban quản lý dự án Môi trường và Biến đối khi hậu thành phố Đồng Hới để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường 36m của Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới trước ngày 31/8/2020.
3. Yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông Vận tải và Ban quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới triển khai ngay và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các gói thầu của Dự án; chỉ đạo các đơn vị trúng thầu tập trung huy động toàn bộ máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công; Chủ động phối hợp chặt chẻ giữa 02 Ban quản lý dự án để chỉ đạo triển khai đồng bộ các gói thầu, không chồng lấn mặt bằng trong quá trình thi công.
4. Yêu cầu các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh, UBND thành phố Đồng Hới; các xã, phường: Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Đức Ninh Đông, Bảo Ninh và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với 02 Chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân của các Dự án.
Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các sở, ban ngành, địa phương và các đơn vị liên quan biết và tổ chức thực hiện.
Nguồn: Thông báo số 2690/TB-VPUBND ngày 03/8/2020.
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Bình
Link bài gốc: https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/ket-luan-cua-pho-chu-tich-thuong-truc-ubnd-tinh-tai-buoi-kiem-tra-tien-do-thuc-hien-du-an-he-th.htm
Nguồn: Tin Quảng Bình
Đăng nhận xét Blogger Facebook