(Chỉ đạo-Điều hành) – Ngày 31/7/2020, UBND tỉnh tổ chức họp chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện và giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm 2020, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật chủ trì. Tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Quang – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện: Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Du lịch, Văn hoá và Thể thao; Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND: huyện Lệ Thuỷ, huyện Quảng Ninh, huyện Bố Trạch, huyện Tuyên Hoá, huyện Minh Hoá, thị xã Ba Đồn; đại diện lãnh đạo: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND: thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Trạch; Giám đốc các dự án có sử dụng vốn ODA do các sở làm chủ quản.
Sau khi đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công 7 tháng đầu năm 2020, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp thực hiện những tháng cuối năm 2020; ý kiến của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu dự họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết luận:


1. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế 06 tháng đầu năm của Quảng Bình chỉ đạt 3,38%, tuy cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước (1,81%) nhưng là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm; tình hình sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực khó khăn. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục suy thoái nặng nề, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện trở lại ở một số tỉnh và có những diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh ta cần quyết liệt thực hiện “Mục tiêu kép” đó là vừa nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề quan trọng, cấp thiết, góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh ngay từ đầu năm đã tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc, kiểm tra, ban hành nhiều văn bản tập trung chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; sớm phân khai vốn cho các đơn vị, địa phương và tăng cường phân cấp cho các địa phương nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư; bên cạnh đó UBND tỉnh nhận được sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 29/7/2020 của tỉnh chỉ đạt 44,49% theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (nguồn Trung ương và nguồn của tỉnh) và là 36,76% kế hoạch theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, (cả 4 nguồn là Trung ương, Tỉnh, huyện, xã) (bao gồm cả vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang năm 2020), cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, đặc biệt các dự án sử dụng vốn ODA có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Trong khi nhiều sở, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao thì còn những sở, ngành, địa phương giải ngân rất chậm.


Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, thiếu quyết tâm chính trị; vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; việc giải phóng mặt bằng, giải quyết chồng lấn để thực hiện một số dự án trên địa bàn thành phố Đồng Hới còn quá chậm, đặc biệt là các dự án do Ban Quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư; một số dự án được giao vốn không giải ngân được hoặc giải ngân chậm, trong khi các dự án khác có nhu cầu vốn, có khả năng giải ngân nhanh nhưng không được bố trí vốn hoặc bố trí vốn thiếu; công tác chuẩn bị đầu tư nhiều dự án chưa kỹ, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; năng lực một số nhà thầu thi công còn yếu…


2. Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:


Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, phấn đấu đến cuối năm giải ngân đầu tư công trên địa bàn đạt 100% kế hoạch giao, UBND tỉnh yêu cầu:


2.1. Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư:


– Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp uỷ đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid – 19.


– Nghiêm túc triển khai đến các cơ quan, đơn vị các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân theo quy định của Trung ương và yêu cầu của UBND tỉnh tại Văn bản số 108/UBND-TH ngày 03/02/2020, Kế hoạch số 1242/KH-UBND ngày 16/7/2020 và Văn bản số 1045/UBND-TH ngày 17/6/2020 về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện các dự án đầu tư, nhất là tiến độ thực hiện dự án và công tác GPMB để hoàn thành kế hoạch đầu tư công được giao năm 2020.


– Phân công trách nhiệm cho từng đồng chí Lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư phụ trách trực tiếp theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân của từng công trình, dự án; kiên quyết không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các sở ngành liên quan. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, là căn cứ để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; kiên quyết chống trì trệ, tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm chậm, sai theo quy định.


– Sau Hội nghị này, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức rà soát lại Kế hoạch đầu tư công năm 2020 đã giao, báo cáo cụ thể tình hình thực hiện các dự án, công trình, cam kết giải ngân hoặc bổ sung vốn, hoặc điều chuyển vốn, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh đề nghị tổ chức họp bất thường để điều chỉnh chủ trương đầu tư, trước ngày 15/8/2020 và báo cáo tại các cuộc họp về đầu tư công hàng tháng của tỉnh. Các chủ đầu tư không đề nghị điều chỉnh chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tiến độ, giải ngân nguồn vốn đầu tư công của đơn vị mình.


– Chủ động và theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các dự án; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn (điều chỉnh từ dự án giải ngân chậm sang cho dự án có nhu cầu bổ sung vốn) tránh để phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn dồn vào cuối năm, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2020. Riêng đối với vốn nước ngoài, trường hợp có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thực hiện cam kết với nhà tài trợ, kịp thời có văn bản gửi UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch.


– Đôn đốc nhà thầu huy động máy móc, nhân công để triển khai hợp đồng theo tiến độ (nhà thầu nào chậm tiến độ đề nghị xử phạt theo quy định của hợp đồng); tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo tính công khai, minh bạch, không để xảy ra các khiếu nại, khiếu kiện hoặc các hoạt động làm cản trở tiến độ đấu thầu hoặc phải đấu thầu lại.


– Tập trung thực hiện nghiệm thu khối lượng theo tiến độ hợp đồng và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ; trong thời hạn 04 ngày (làm việc) kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không để dồn vào cuối năm mới thanh toán. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương phê duyệt quyết toán, giải ngân hết số vốn cho các nhà thầu theo nội dung hợp đồng. Thường xuyên theo dõi, kịp thời báo cáo các khó khăn vướng mắc, đề xuất các giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công do đơn vị quản lý (nếu vượt quá thẩm quyền).


2.2 Sở Kế hoạch và Đầu tư:


– Kiên quyết tham mưu UBND tỉnh thu hồi điều chỉnh giảm nguồn vốn đã bố trí cho các công trình, dự án trong đó: (1) Thu hồi kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 được phép kéo dài sang thanh toán năm 2020 đến hết ngày 30/8/2020 thực hiện giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn được phép kéo dài; (2) Thu hồi kế hoạch đầu tư công năm 2020 đến hết ngày 30/9/2020 giải ngân dưới 70% kế hoạch vốn được giao để bổ sung cho các dự án khác có nhu cầu nhằm đảm bảo giải ngân đạt kế hoạch đề ra.


– Tổ chức giao ban hàng tháng về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công được giao.


– Tổng hợp (chi tiết từng dự án về tiến độ, giải ngân, dự kiến lộ trình thực hiện theo từng tháng, dự báo khả năng giải ngân (đạt hay không đạt), báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo theo định kỳ; đồng thời đề xuất, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm chế độ báo cáo.


– Chuẩn bị kỹ báo cáo, những vấn đề kiến nghị với Đoàn kiểm tra của Chính phủ (theo Quyết định số 1053/QĐ-TTg ngày 17/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ) về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại địa phương trong thời gian tới.


– Phối hợp với Kho bạc Nhà nước thống nhất mẫu, số liệu báo cáo đảm bảo đầy đủ, chính xác thông tin về tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công.


2.3. Sở Tài chính:


– Chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm tra, phê duyệt (hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt) thanh toán, quyết toán các dự án hoàn thành theo đúng quy định.


– Tập trung rà soát thủ tục giải ngân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thanh, quyết toán vốn đầu tư công đã được giao vốn.


2.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án do Sở làm chủ đầu tư như: Dự án Thuỷ lợi Rào Nan (lưu ý đến việc bảo đảm an toàn đập và vừng hạ du); Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Dự án WB, Dự án JICA, các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ sự cố môi trường biển…


2.5. UBND thành phố Đồng Hới phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trên địa bàn; đối với các hộ chây ỳ thì khoanh vùng cưỡng chế, bảo vệ thi công, không để làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.


2.6. Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại các khâu, cán bộ liên quan đến công tác thẩm định, chỉ đạo, động viên tranh thủ, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh các khâu thực hiện dự án. Trường hợp phát hiện cán bộ nào cố tình làm chậm, gây khó khăn, cần phải có giải pháp thay thế và có biện pháp xử lý nghiêm.


2.7 Kho bạc Nhà nước tỉnh:


– Thực hiện và chỉ đạo Kho bạc các huyện, thị xã thanh toán vốn cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 04 ngày làm việc; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi.


– Định kỳ gửi thông tin về tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp, thống nhất số liệu, báo cáo UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương theo quy định.


– Báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xử lý các chủ đầu tư chậm thực hiện thủ tục giải ngân, thanh toán kế hoạch vốn và có trách nhiệm xử lý thu hồi số dư nợ tạm ứng quá thời hạn quy định.


2.8. UBND tỉnh phân công:


– Đồng chí Nguyễn Xuân Quang – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chỉ đạo việc thành lập các đoàn của UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tại các sở, ngành, đơn vị, địa phương; chỉ đạo về tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công các dự án ODA tỉnh quản lý, các dự án thuộc ngành Giao thông Vận tải, ngành Công Thương, Xây dựng, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh; thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn.


– Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công Chương trình MTQG Giảm nghèo, các dự án thuộc ngành Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; huyện Lệ Thuỷ, huyện Quảng Ninh.


– Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc ngành Thông tin và Truyền thông, Ban Dân tộc, Nội vụ; huyện Tuyên Hoá, huyện Minh Hoá.


– Đồng chí Trần Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; huyện Bố Trạch, huyện Quảng Trạch.


2.9. Về các kiến nghị, đề xuất:


– Về Ban Quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới xin uỷ quyền phê duyệt điều chỉnh thiết kế, dự toán xây dựng công trình: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh theo hướng uỷ quyền cho đơn vị nếu pháp luật cho phép và tạo diều kiện đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn.


– Về vốn đối ứng của tỉnh hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng Dự án Thủy lợi Rào Nan: Hiện nguồn của tỉnh đang gặp khó khăn, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc hoặc tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tỉnh nguồn để thực hiện. Giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phong chỉ đạo việc này.


– Về UBND huyện Quảng Ninh đề nghị chuyển nguồn vốn chuẩn bị đầu tư đường từ xã Trường Xuân lên xã Trường Sơn sang bố trí trả nợ các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn hiện chưa thực hiện do vướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, báo cáo UBND tỉnh.


Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các sở, ban ngành, địa phương liên quan biết và triển khai thực hiện.


Nguồn: Thông báo số 2711/TB-VPUBND ngày 03/08/2020



Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Bình


Link bài gốc: https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/ket-luan-cua-dong-chi-tran-cong-thuat—chu-tich-ubnd-tinh-tai-buoi-lam-viec-voi-cac-so-nganh.htm





Nguồn: Tin Quảng Bình

Đăng nhận xét Blogger

 
Top