Những giới hạn do điều kiện và khả năng luôn là rào cản làm khó không ít người. Thế nhưng có những người đã bền bỉ vươn lên bằng chính sự nỗ lực, quyết tâm để thay đổi số phận cho chính mình và giúp ích cho cộng đồng. Họ chính là những người nông dân thế hệ mới, dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên trong cuộc sống.


Nỗ lực vì ước mơ


Sinh ra và lớn lên ở thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy), chàng thanh niên Trần Kim Phi (SN 1976) thừa hiểu cuộc sống khốn khó của cư dân vùng biển bãi ngang quê mình. Những ngày còn trẻ, Phi đã sớm theo cha đi đánh cá trên những chiếc bơ nan. Ngày đó, trong ký ức của Phi, đi biển là cứu cánh duy nhất cho cuộc sống của người dân vùng bãi ngang. 


Vượt qua thử thách Trang trại của anh Trần Kim Phi là một trong những trang trại nuôi cá lóc đầu tiên và có quy mô khá lớn ở vùng bãi ngang huyện Lệ Thủy.


Đi biển để mưu sinh, để kiếm bữa ăn, chứ chưa nói đến chuyện làm giàu. Cứ thế, đời này nối tiếp đời kia, tất cả đều trông cậy cả vào chiếc bơ nan. Rồi đến lúc lập gia đình, trở thành trụ cột của gia đình nhỏ, chiếc bơ nan nhỏ bé, sáng ra khơi tối vào bờ kia không thể chứa được những ấp ủ, mơ ước thoát nghèo vươn lên làm giàu của Phi.


Năm 2010, anh Phi quyết định thôi không đi biển, mà lên bờ làm trang trại nuôi cá. Anh Phi kể, quyết định không hẳn là bột phát, tức thời, mà là cả một quá trình. Bởi trước đó, anh vừa đi biển, vừa nuôi cá để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Dạo đó, cứ mỗi chuyến biển, anh tận dụng nguồn cá đánh bắt về làm thức ăn nuôi các loại cá trê, lóc, rô.


Ban đầu chỉ vài ao nhỏ trong vườn nhà, gọi là nghề phụ cho nghề đi biển. Nhưng sau đó, thấy hiệu quả cao, trong khi đi biển càng ngày càng bấp bênh, nguồn cá càng ngày càng ít và không ổn định, anh quyết tâm bám bờ để phát triển chăn nuôi. Mấy chuyến đi vào các địa phương ven biển phía nam để học hỏi kinh nghiệm sau đó, càng khiến anh tự tin vào quyết định và lựa chọn của mình.


Thế nhưng cũng từ đây, những khó khăn, trở ngại bắt đầu xuất hiện. Dù có chút ít kinh nghiệm nhưng tiền đâu để đầu tư và rồi đất đai, mặt bằng ở đâu. “Tất cả đều bằng kinh nghiệm, bắt đầu từ cái nhỏ đến cái lớn. Và quan trọng hơn cả là sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của bản thân”, anh Phi nói. Thời điểm đó, vay vốn ngân hàng rất khó khăn, nên anh phải đầu tư theo kiểu gom góp, lấy ít nuôi nhiều, rồi vay mượn bạn bè, người thân. Có bao nhiêu tiền, anh đều đổ vào làm ao hồ, đầu tư trang trại. Còn mặt bằng, tạm thời anh sử dụng diện tích đất có sẵn của gia đình để làm ao hồ.


Cứ như vậy, qua mỗi năm, trang trại dần mở rộng và có được quy mô như ngày nay. Ngay như căn nhà 2 tầng tiền tỷ, khang trang, rộng rãi, thuộc vào loại “của hiếm” ở vùng biển bãi ngang này, cũng chỉ mới được anh xây dựng vài năm trở lại đây. Hiện, quy mô trang trại của anh đã lên đến 3ha. Mỗi năm, trang trại xuất bán 100 tấn cá lóc, 2 triệu con cá giống, lãi gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, trang trại của anh còn tạo công ăn việc làm cho 7 lao động thường xuyên (thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng).


Gương sáng của người Vân Kiều


Người Vân Kiều ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) từ lâu không ai không khâm phục anh Hồ Nam (SN 1981). Lý do không phải vì Hồ Nam đang giữ cương vị Bí thư Chi bộ hay Trưởng bản, mà vì anh là tấm gương sáng trong lao động, sản xuất. Hồ Nam kể, năm 2013 trở về trước, cũng như bao gia đình Vân Kiều khác ở bản Khe Ngang, gia đình anh cũng thuộc diện hộ nghèo, khó khăn của bản. Nhà có sẵn rừng do Nhà nước cấp cho đấy, nhưng cũng không nghĩ đến.


Lúc mới cưới vợ, bố mẹ cho ra ở riêng. Vợ mới sinh con, một mình anh đi làm, nhưng làm bao nhiêu cũng không đủ, may lắm mới chỉ đủ ăn. Chẳng lẽ cứ theo thói quen cũ của ông cha đời trước, rằng sống nhờ rừng và “trời sinh voi, trời sinh cỏ”? Suy nghĩ, trăn trở mãi, cuối cùng anh, mạnh dạn vay vốn để đầu tư trồng rừng và chăn nuôi.


Đúng là có làm thì mới có ăn. Những lứa lợn, bò lần lượt mang về cho anh những khoản thu nhập mà trước đây anh không thể hình dung được. Có được tiền, anh tiếp tục mở rộng chăn nuôi và đầu tư trồng rừng keo, tràm. Đến nay, gia đình anh đã có một gia trại nhỏ với đủ lợn, gà, trâu bò với 12ha keo lai, thu nhập mỗi năm gần hơn 160 triệu đồng.


Với người Vân Kiều ở xã Trường Sơn, gia sản của Hồ Nam ý nghĩa không chỉ là những con số nêu trên, mà đó còn là công sức lao động bền bỉ suốt bao nhiêu năm qua. Từ chỗ một hộ nghèo, gia đình anh Hồ Nam không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành một tấm gương sáng cho dân bản.


“Đồng bào mình thật thà lắm, thấy mình có chút ít tài sản, họ nghĩ mình đã giàu lắm rồi. Vì vậy, nên họ bầu mình làm Chi hội phó Chi hội Nông dân, rồi bầu làm trưởng bản. Năm 2017, họ lại tiếp tục bầu làm Bí thư Chi bộ. Trên cương vị là bí thư chi bộ, trưởng bản, bản thân luôn cố gắng sắp xếp công việc hài hòa giữa gia đình và xã hội, đi đầu trong các phong trào, các hoạt động của bản, vận động nhân dân chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là việc vận động bà con phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu”, anh Hồ Nam cho biết thêm.


Ông Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá, họ là những gương điển hình tiên tiến và là những hạt nhân trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu. Sự thành công của họ có ý nghĩa không chỉ là kết quả của ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, mà còn tạo động lực lôi cuốn, khích lệ, động viên nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất. Những điển hình tiên tiến này là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh nông dân thế hệ mới, biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn.


Dương Công Hợp



Nguồn tin: Báo Quảng Bình


Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202007/vuot-qua-thu-thach-2179142/





Nguồn: Tin Quảng Bình

Đăng nhận xét Blogger

 
Top