Để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm giao đất cho nhà đầu tư, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 1190/UBND-XDCB về việc giải phóng mặt bằng các dự án Khu nhà ở thương mại, đô thị.


Quảng Bình: Cần giải quyết vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng tại các dự án


Dự án nhà ở thương mại phía Tây mương Phóng Thủy bị người dân gây khó khăn, cản trở khi chủ đầu tư thực hiện các thủ tục.


Tính đến tháng 6/2020, tại Quảng Bình đã, đang triển khai đầu tư và chuẩn bị đầu tư 36 dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị, trung tâm dịch vụ khách sạn và nhà ở kết hợp kinh doanh với tổng quy mô sử dụng đất hơn 456ha và khoảng 5.131 tỷ đồng tiền sử dụng đất.


Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, tổng thu từ các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở thương mại đóng vào ngân sách tỉnh là hơn 213.436 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.


Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hầu như huyện, thị xã, thành phố đều có dự án loại này và cũng bị vướng mắc. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố Đồng Hới, nhiều hộ gia đình cố tình gây khó khăn, cản trở chủ đầu tư, các đơn vị thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dưới nhiều hình thức như: Không đồng ý giá bồi thường hỗ trợ tái định cư của Nhà nước, đòi bồi thường theo giá thỏa thuận; một số dự án có hiện tượng người dân tiến hành xây dựng công trình, trồng cây, tạo nhiều tài sản trên đất đã được quy hoạch có chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án… để chờ bồi thường; một số hộ gia đình thực hiện mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bất hợp pháp sang nhiều người.


Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án, tổ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường thiếu sự phối hợp chặt chẽ, xử lý một vài vướng mắc chưa thực sự quyết liệt, dẫn đến tình trạng vướng mắc kéo dài; thời gian thẩm định, phê duyệt phương án chưa đáp ứng, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nói chung của tỉnh.


Theo thông tin từ UBND thành phố Đồng Hới, vì là đô thị loại II, tâm lý người dân thành thị cũng hiểu rõ giá trị những thửa đất. Do vậy, khi có thông tin sơ bộ về dự án, thì cũng có một bộ phận dân cư trồng thêm cây, cắm thêm cọc bê tông, xây thêm công trình kiên cố, bán kiên cố nhằm tăng thêm tài sản trên đất khi đơn vị chức năng tiến hành kiểm đếm, quy chủ để bồi thường, đền bù sau này, như tại xã Bảo Ninh, Đức Ninh, Lộc Ninh.


Phần lớn kiến nghị của người dân trong bồi thường giải phóng mặt bằng là không đồng ý giá bồi thường hỗ trợ tái định cư của Nhà nước, đòi bồi thường sát với giá thị trường ở thời điểm hiện thời. Một bộ phận khác lại không muốn bị thu hồi diện tích đất sản xuất, đất ở xen cư của mình.


Tại Công văn số 1190/UBND-XDCB về việc giải phóng mặt bằng các dự án Khu nhà ở thương mại, đô thị, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có dự án đã, đang triển khai, trực tiếp chỉ đạo, xử lý vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chịu trách nhiệm nếu để công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc kéo dài, làm chậm tiến độ thực hiện dự án; xem xét, bố trí tăng cường cán bộ phụ trách công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt phương án; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nơi có dự án thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc người dân xây dựng công trình, tạo lập tài sản trên đất, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép tại các khu đất đã được quy hoạch, có chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án, xử lý từng trường hợp vi phạm nếu có.


Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị, tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận, tổ chức, đoàn thể địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng quy định của Nhà nước về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.


Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, bên cạnh việc rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, các địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng, với những vấn đề mới nảy sinh, cần xử lý nghiêm túc, tránh để kéo dài.


Nhất Linh


Nguồn tin:  Báo Xây dựng




Nguồn: Tin Quảng Bình

Đăng nhận xét Blogger

 
Top