Năm nay, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) làm thí điểm mô hình trồng ngô Đông Xuân và lúa Xuân Hè trên đất trồng lúa hai vụ…


Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Trưởng phòng NN – PTNT huyện Lệ Thủy cho hay, đây là những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích, góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân.


Từ đầu vụ Đông Xuân (ĐX), Phòng NN – PTNT chỉ đạo các xã Mai Thủy, Dương Thủy, Phú Thủy triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi từ đất trồng lúa 2 vụ sang trồng màu (cây ngô HN88) ĐX và lúa Xuân – Hè (XH)  với diện tích gần 5 ha. “Đây là mô hình thực hiện lách vụ. Thay bằng hình thức canh tác truyền thống là vụ lúa ĐX kết thúc là triển khai vụ lúa HT thì bây giờ người nông dân là vụ ngô và một vụ lúa”- ông Nghĩa cho biết thêm vì cơ cấu cây trồng và lịch nông vụ.


Chuyện vụ ngô, vụ lúa ở Lệ Thủy


Nhiều nông dân thực hiện mô hình ngô vui mừng vì có hiệu quả cao. Ảnh: Thu Hà


Trên đất ruộng 2 vụ, sau khi thu hoạch vụ HT 2019, nông dân bắt tay vào làm đất và thực hiện gieo trồng vụ ngô ĐX 2020.


Theo ông Lê Văn Ngọc và nhiều nông dân tham gia mô hình cho hay, triển khai mô hình ngô trong điều kiện thời tiết không được thuận lợi. Thời gian này chuột phá hoại và sâu bệnh diễn biến phức tạp. “Vì vậy trồng cây ngô cũng phải cần có nhân lực để thăm đồng thường xuyên để phát hiện  và xử lý kịp thời sâu bệnh hại cây trồng.”- ông Ngọc chia sẻ.


Theo ông Lê Xuân Tương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Mao (xã Mai Thủy), thì năng suất bình quân chung của mô hình ngô đạt trên 11 tấn/ha. Cao nhất là  mô hình tại HTX Đông Thiện (xã Dương Thủy) đạt 11,6 tấn/ha.


Theo tính toán của  các hộ nông dân tham gia mô hình, hiệu quả của mô hình trồng ngô cho lợi nhuận cao hơn nhiều lần trồng lúa. Ông Lê Văn Ngọc cho biết, tổng chi phí đầu tư nguyên vật liệu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công vào khoảng 49 triệu đồng/ha. Giá bán ngô là 6 triệu đồng/tấn nên có tổng thu 66,6 triệu đồng “Sau khi cân đối giữa các khoản thu, chi thì trồng 1 ha ngô cho lợi nhuận trên 17 triệu đồng”- ông Ngọc nói.


Nếu so sánh với trồng lúa vụ ĐX trên cùng chân đất thì cho thấy trồng ngô có lãi hơn nhiều. Ông Lê Xuân Tương tính toán chi phí đầu tư tất tần tật cho mỗi ha lúa hết khoảng 27,6 triệu đồng. Tổng doanh thu (năng suất lúa trung bình 60 tạ/ha, giá lúa bán 600 ngàn đồng đồng/tạ), được khoảng 36 triệu đồng. “Cân đối lại thì trồng lúa chỉ có lãi khoảng 8 – 9 triệu đồng/ha thôi. Như vậy trồng ngô cho nông dân lãi gấp đôi trồng lúa”- ông Tương bảo.


Chuyện vụ ngô, vụ lúa ở Lệ Thủy


Lúa vụ XH trên đồng Lệ Thủy cho năng suất 60 tạ/ha. Ảnh: T.Phùng


Sau khi thu hoạch xong ngô, Phòng NN – PTNT chỉ đạo các đơn vị, các hộ khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất đẩy nhanh tiến độ gieo lúa XH.


Theo nông lịch, các địa phương triển khai vào thời gian từ 25 – 30 tháng 3. Mô hình sử dụng giống nếp IJ352. Dự kiến thời gian sinh trưởng khoảng 95 – 100 ngày


Qua theo dõi, quá trình sinh trưởng, phát triển lúa XH là khá tốt. Tuy nhiên, có một số đối tượng sâu bệnh gây hại nhẹ. Trong đó, giai đoạn lúa 2 – 3 lá bị bọ trĩ gây hại. Giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm dòng bị sâu đục thân. Đến giai đoạn lúa trỗ thì có hiện tượng châu chấu ăn lá, hạt lúa, bọ xít chích hút làm một số hạt bị đen, lép. Các giai đoạn này, nông dân được cán bộ kỹ thuật Phòng NN – PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã dự báo và chỉ đạo phòng trừ kịp thời nên đã hạn chế được thiệt hại.


Chúng tôi về thôn Xuân Mai (xã Mai Thủy) vào ngày bà con nông dân thực hiện gặt thống kê để xác định năng suất lúa vụ XH. Trên  cánh đồng lúa đã chín vàng rực trong nắng. Cạnh đó là những thửa ruộng hàng chục ha lúa tái sinh đang oàn mình trước nắng nóng. “Năm nay, lúa tái sinh mất mùa lớn vì thời tiết”- một bác nông dân cho hay.


Chuyện vụ ngô, vụ lúa ở Lệ Thủy


Trên cánh đồng mô hình lúa XH ở xã Mai Thủy (Lệ Thủy) có thể mở ra hướng mới về giải pháp canh tác cho hiệu quả cao trên đất lúa 2 vụ. Ảnh: T.Phùng


Năm nay, xác định lúa tái sinh mất mùa và lúa vụ hè thu đang trong giai đoạn trổ đồng thì những vạt ruộng lúa chín vàng rực của vụ XH bên đường lộ lớn làm nhiều người tò mò xen lẫn thích thí. Tôi theo ông Tương, ông Ngọc, ông Xuân… ra ruộng. Những cây lúa thẳng đứng, ken dày, bông lúa trĩu bông về nặng hạt. Ông Tương bứt một nắm lúa đưa lên kiểm tra rồi thông báo vui: “Lúa ít hạt lép đấy. Thửa này, theo kinh nghiệm của tôi thì năng suất cũng cho đạt trên 60 tạ/ha”.


Một cuộc hội thảo đầu bờ nhỏ diễn ra ngay trên bờ ruộng. Mấy nông dân thực hiện mô hình là trọng tâm được “chất vấn” và trả lời về quy trình thực hiện cây ngô, cây lúa “trái vụ” này. Sau gần giờ đồng hồ thảo luận sôi nổi, các nông dân và giám đốc các HTX trên địa bàn rút ra những cái được về hiệu quả: Lách được vụ nắng nóng sớm, tiết kiệm nước tưới và khi vụ hè thu lúa đang trổ đồng trên ruộng thì lúa vụ XH đã được thu hoạch.


Nhiều giám đốc HTX đã nhẩm tính để đưa mô hình về áp dụng thử tại địa phương mình. Ông Võ Văn Tháng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lộc Thương (xã An Thủy) cho hay, ngoài việc triển khai vụ ngô và vụ lúa thì còn có thể đưa vào một vụ màu nữa vì lúc này ruộng được “nghỉ” trên 3 tháng. Tuy nhiên, giai đoạn này, chuột sẽ nhiều lên. “Nếu có giải pháp phòng chống được chuột thì vẫn có thể cơ cấu thêm vụ đậu xanh hay lạc cho mô hình này”- ông Thắng nói thêm.


Tham gia cùng với nông dân, Tiến sỹ nông nghiệp Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Cty CP Giống cây trồng Quảng Bình (đơn vị cung ứng giống ngô HN88 và nếp IJ352) cho các mô hình cho biết: “Sẽ đồng hành cung ứng các giống ngô, lúa chất lượng cao cho nông dân Lệ Thủy và các địa phương khác khi thực hiện mô hình cây màu ĐX và lúa XH”.


Tâm Phùng


Nguồn tin: Báo Nông nghiệp




Nguồn: Tin Quảng Bình

Đăng nhận xét Blogger

 
Top