Với riêng cư dân làng biển, tiếng sóng, làn gió mặn mòi vị biển, những bình minh, hoàng hôn háo hức đợi chờ tàu cập bến và cả những mất mát, tổn thương của biển… luôn đằm sâu trong ký ức!


chi can nghe tieng song la da thay que nha


Là dải đất chạy dài theo bờ biển, người Quảng Bình có một tình yêu, niềm tự hào rất riêng về biển. Với riêng cư dân làng biển, tiếng sóng, làn gió mặn mòi vị biển, những bình minh, hoàng hôn háo hức đợi chờ tàu cập bến và cả những mất mát, tổn thương của biển… luôn đằm sâu trong ký ức! Với bạn tôi, một người lính biển thì “chỉ cần nghe tiếng sóng là đã thấy quê nhà!” nên gần 30 năm làm người lính biển gắn bó với quần đảo Trường Sa, quê nhà vẫn luôn gần kề bên bạn!


chi can nghe tieng song la da thay que nha


Quê tôi là làng chài nhỏ ven biển, tiếng sóng biển đã trở thành âm thanh quen thuộc với mọi thế hệ. Làng có những con người suốt cuộc đời sinh ra, lớn lên và về với đất, chỉ quẩn quanh bên chân sóng, chưa từng vượt “biên giới làng”. Hạnh phúc, mưu sinh, nhọc nhằn, yêu thương… cũng gắn liền với biển. Từ hoang sơ, biển đã bao dung nuôi dưỡng con người. Với gần 400 năm lịch sử, người làng tôi song hành cùng biển mà trưởng thành, mạnh mẽ. Từ chiếc cần câu đơn sơ, con thuyền nan nhỏ, nay những ngư phủ của làng đã vượt trùng khơi trên những con tàu hiện đại hàng trăm mã lực, sức chứa vài chục tấn cá, tôm. Họ không chỉ đơn thuần mưu sinh, mà đã đồng hành cùng dân tộc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Sản vật của biển từ chỗ chỉ quẩn quanh tự cung tự cấp, nay đã vượt biên giới quốc gia, cùng với bao món ngon của các làng biển khác khẳng định chất lượng, thương hiệu của mình. Cũng từ biển, làng chài nhỏ bé giờ xuất hiện những tỷ phú trẻ, diện mạo làng quê ngày càng “thay da, đổi thịt”…


chi can nghe tieng song la da thay que nha


Dọc theo 116km bờ biển Quảng Bình, có rất nhiều những làng chài như thế. Khang trang, kiêu hãnh và trù phú bên chân sóng, cùng với điểm tựa vững chắc từ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển, nỗ lực của cư dân làng biển đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Qua bao thăng trầm, kinh tế biển tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, để dải đất hẹp nhất miền Trung ngày càng khởi sắc. Trên hành trình làm giàu cho gia đình, cộng đồng, góp sức mạnh cho quê hương, những cư dân làng biển cũng phải đối mặt với bao gian khó, hiểm nguy. Trong chiến tranh, họ phải tranh thủ thời gian ngưng tiếng bom thù để đánh bắt cá, tôm nuôi sống gia đình, tiếp sức cho tiền tuyến. Là vùng đất khắc nghiệt, phải hứng chịu nhiều thiên tai, mỗi ngày họ phải lắng nghe, quan sát từng ngọn sóng, hướng gió để bảo đảm bình yên và hiệu quả cho những chuyến ra khơi.


chi can nghe tieng song la da thay que nha


Vượt muôn trùng khơi khai thác hải sản ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, họ mang theo bên mình lá cờ Tổ quốc, để hiên ngang, vững vàng trước những vòi rồng, sự gây hấn từ những con tàu lạ, kiên định bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhỏ bé mà kiên trung, bình dị, cần cù mà kiêu hãnh… chính là hình ảnh của những ngư dân làng biển!


chi can nghe tieng song la da thay que nha


Và biển cũng trải qua những ngày rất buồn. Đó là những ngày giông bão, có những con tàu mang theo trai tráng ra đi đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển. Đó là sự cố môi trường biển với những xác cá dạt trắng bãi bờ. “Cơn bão Formosa” tháng 4-2016 khiến người làng biển ngơ ngác, nghẹn ngào vì thương biển, thương mình. Giữa những ngày buồn ấy, sự nỗ lực đồng hành kịp thời của những chính sách của Đảng và Nhà nước đã nhanh chóng động viên, tiếp sức vực dậy những người dân làng biển. Chưa bao giờ ý chí vượt khó vươn lên lại mạnh mẽ như lúc này. Sau hơn 4 năm xảy ra sự cố môi trường biển, những làng biển Quảng Bình đã thực sự hồi sinh, mạnh mẽ và thêm phần bản lĩnh trước khó khăn. Tính đến đầu năm 2020, Quảng Bình là một trong những tỉnh sở hữu đội tàu cá lớn nhất cả nước với gần 6.000 tàu có động cơ, tổng công suất đạt gần 800.000CV, sản lượng khai thác đạt gần đạt 70.000 tấn, tăng 8% so với năm trước. Đây là sự nỗ lực không nhỏ sau khi phải đối mặt với bao khó khăn từ sự cố môi trường biển và những diễn biến bất ngờ, khó lường của thiên tai những năm gần đây.


chi can nghe tieng song la da thay que nha


Không chỉ mưu sinh và khẳng định mình nhờ tôm cá, đường bờ biển dài 116km là nguồn tài nguyên quý giá để ngành du lịch Quảng Bình trở thành một dấu son trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Doanh thu từ du lịch đã và đang giúp nhiều người quê biển “đổi đời”. Những sản phẩm du lịch biển đa dạng, phong phú, thu hút ngày càng nhiều du khách, đóng góp quan trọng vào con số gần 5 triệu lượt khách và doanh thu từ du lịch đạt 5.600 tỷ đồng năm 2019 của tỉnh. Bên cạnh những làng chài sung túc, trù phú nơi chân sóng, giờ đã mọc lên những khu nghỉ dưỡng sang trọng, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Phố biển trở nên sầm uất, quyến rũ hơn bao giờ. Cư dân làng biển giờ không chỉ sống bằng nghề khai thác, đánh bắt sản vật của biển, mà họ còn là những sứ giả du lịch thuần hậu, làm lan tỏa vẻ đẹp và giá trị của biển quê hương.


chi can nghe tieng song la da thay que nha


Qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, biển tự thuở hoang sơ đến tận bây giờ vẫn thế, luôn hào phóng, bao dung, nuôi sống bao thế hệ. Những ngư phủ can trường đạp bằng sóng dữ chỉ xa biển đôi ngày đã nhớ. Nên người làng biển vẫn tự hào, người kẻ biển luôn có hai mái nhà, đó là mái nhà nơi có người thân ngày đêm chờ đón, mái nhà thứ hai chính là biển, đầy bí ẩn, giàu đẹp và thân thương. Những câu chuyện đẹp đẽ và cả tổn thương, mất mát của biển ngày hôm nay sẽ là ký ức của tương lai. Dù vui, dù buồn thì ký ức về biển luôn hiện hữu, mặn mòi và mãi neo đậu trong trái tim những cư dân biển cả. Như bạn tôi, người lính biển gần trọn đời gắn bó với quần đảo Trường Sa từng chia sẻ, rằng chỉ cần nghe tiếng sóng là đã thấy quê nhà!


chi can nghe tieng song la da thay que nha


Báo Quảng Bình




Nguồn: Tin Quảng Bình

Đăng nhận xét Blogger

 
Top