Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tích cực trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Báo Quảng Bình xin lược ghi các ý kiến trả lời về những vấn đề cử tri quan tâm.
* Ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Tài nguyên-Môi trường
– Cử tri xã Thanh trạch (Bố Trạch) phản ánh Nhà máy chế biến thủy sản và thức ăn gia súc của Công ty TNHH Dịch vụ và Sản xuất Tam Phát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân ở quanh khu vực nhà máy.
Trả lời: Vào đầu tháng 3-2018, trong quá trình vận hành thử nghiệm, Nhà máy này đã gây ra sự cố môi trường làm phát tán mùi hôi, gây ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh; để nước thải xử lý chưa bảo đảm đạt quy chuẩn cho phép thải ra môi trường. Với hành vi vi phạm này, Sở đã 2 lần xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 67 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Công ty tạm dừng các hoạt động sản xuất của Nhà máy để khắc phục sự cố và nghiêm túc thực hiện các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.
Ngày 18-6-2020, Sở phối hợp với UBND huyện Bố Trạch, UBND xã Thanh Trạch kiểm tra tình hình khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường của Nhà máy. Tại thời điểm kiểm tra Nhà máy đang dừng hoạt động; hệ thống xử lý mùi của Nhà máy đã được cải tạo, nâng cấp; hiện đang cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Thời gian qua, thỉnh thoảng Nhà máy có vận hành thử nghiệm để hiệu chỉnh các thông số của hệ thống xử lý nước thải, vào khoảng cuối tháng 5 xảy ra sự cố mô tơ máy hút mùi bị hỏng do chập điện đã gây phát tán mùi hôi ra môi trường.
Qua kiểm tra, Sở đã yêu cầu Công ty tạm dừng hoạt động sản xuất của Nhà máy và khẩn trương hoàn thiện các hạng mục công trình xử lý chất thải. Sau khi hoàn thành gửi Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường của Nhà máy về Sở để xem xét, kiểm tra trước khi đi vào vận hành thử nghiệm.
Thời gian tới, Sở và UBND huyện Bố Trạch, UBND xã Thanh Trạch sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Nhà máy bảo đảm các quy định của pháp luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).
– Cử tri xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) tiếp tục đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất vườn sang đất ở cho 99 hộ dân ở thôn Tân Phú.
Trả lời: Theo quy hoạch sử dụng đất của thành phố Đồng Hới đến năm 2020 đã được phê duyệt thì khu vực đất của 99 hộ dân ở thôn Tân Phú đang sử dụng được quy hoạch cho mục đích đất sản xuất nông nghiệp. Do đó, theo quy định của Luật Đất đai, đề nghị của 99 hộ dân thôn Tân Phú về xin chuyển mục đích sang đất ở là chưa có cơ sở để cấp có thẩm quyền giải quyết do không phù hợp quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Hiện nay, UBND thành phố Đồng Hới đang triển khai thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của thành phố. Do đó, Sở đề nghị UBND thành phố Đồng Hới rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng để xem xét theo thẩm quyền việc quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của thành phố và giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai.
– Cử tri phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) đề nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra để tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc làm các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất (như: tách thửa làm nhà cho con…), tránh gây khó khăn cho nhân dân.
Trả lời: Thời gian qua, việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, đặc biệt là lĩnh vực đất đai đã được UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện, qua đó, Sở đã phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính và hoàn thiện quy trình thực hiện các TTHC về đất đai trên phần mềm một cửa điện tử trên địa bàn tỉnh, đến nay, việc thực hiện đã đồng bộ và liên thông ở các cấp tạo sự thuận lợi và nâng cao chất lượng phục vụ đối với người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp trong quản lý và sử dụng đất đai do lịch sử để lại nên vẫn còn không ít trường hợp việc thực hiện TTHC cho người dân vẫn chưa bảo đảm theo kỳ vọng; vẫn còn có hồ sơ bị chậm thời gian, bị trả hồ sơ không do lỗi từ người dân… nên vấn đề cử tri nêu là đúng.
Tiếp thu ý kiến phản ảnh của cử tri, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành và địa phương để nghiên cứu sửa đổi quy định về thực hiện TTHC trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm thuận lợi cho người sử dụng đất; tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ viên chức, người lao động để hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân trong thực hiện TTHC.
*Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT
– Cử tri xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) đề nghị hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân phải nhanh chóng, vì hiện tại thời gian hỗ trợ cho ngư dân quá lâu.
– Trả lời: Tỉnh ta có hơn 1.000 tàu đăng ký khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy, kinh phí hỗ trợ hàng năm rất lớn, trong khi việc thực hiện chính sách từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước yêu cầu phải thực hiện chặt chẽ, qua nhiều bước theo đúng trình tự thủ tục quy định nhằm hạn chế sai sót, gian lận, trục lợi chính sách. Theo quy định việc hỗ trợ thực hiện tối thiểu mỗi quý một lần.
Đối với tỉnh ta, các hồ sơ đề nghị hỗ trợ được tiếp nhận hàng ngày trong tuần (kể cả ngày nghỉ), được tổ chức thẩm định một tháng một lần và trình hỗ trợ ngay sau khi có báo cáo niêm yết kết quả thẩm định của UBND cấp xã. Kết quả, trong 5 tháng đầu năm 2020 đã có 4 đợt hỗ trợ với số tiền 90,6 tỷ đồng (trong đó, xã Cảnh Dương là 6,6 tỷ đồng).
Như vậy, việc thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg đã được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt, hồ sơ được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và tiến độ nhanh hơn so với quy định. Cùng với đó, tuy là tỉnh có số lượng tàu cá lớn nhưng tiến độ giải ngân nhanh hơn so với các tỉnh khác.
Việc hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg đã được Quảng Bình thực hiện với tiến độ nhanh hơn so với các tỉnh khác.
– Cử tri xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) đề nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra, đầu tư, nâng cấp đê Hạc Hải thuộc hệ thống công trình thủy lợi Mỹ Trung bởi hiện công trình này nhiều điểm xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến việc đi lại và sản xuất của người dân.
Trả lời: Dự án đê bao thượng nguồn Mỹ Trung được đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng từ năm 2012 bảo đảm phục vụ sản xuất cho hơn 4.000 ha lúa của các xã Lộc Thủy, Hồng Thủy, Hoa Thủy, Sơn Thủy, Phong Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Liên Thủy; ngăn lũ sớm, lũ tiểu mãn, ngăn mặn… Hiện do ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm, nhiều tuyến đê bị hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm sản xuất. Riêng tuyến đê Hạc Hải, mặt đê nhiều đoạn bị sụt lún, mái đê sạt lở, chiều dài sạt lở mỗi đoạn ước tính từ 7 đến 15m. Tổng chiều dài hư hỏng trên 6km.
Phản ánh của cử tri là chính đáng và việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đê là hết sức cần thiết để phục vụ sản xuất. Sở cùng các ngành liên quan đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhằm bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong vùng.
* Ông Phan Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Tài Chính
– Cử tri xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) đề nghị tỉnh xem xét, cấp kinh phí hỗ trợ theo quy định tại Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Trả lời: Căn cứ Nghị quyết số 82/NQQ-HĐND, ngày 12-12-2019 về dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2020 của HĐND tỉnh, nếu xã biên giới có thành lập mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới theo Chỉ thị số 01/CT-TTg thì được hỗ trợ kinh phí hoạt động đã được phân bổ trong định mức chi thường xuyên cho các địa phương (trong đó có lĩnh vực an ninh quốc phòng). Vì vậy, căn cứ vào Luật ngân sách Nhà nước, ngân sách tỉnh không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các mô hình tự quản đường biên, mốc quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới theo kiến nghị của cử tri.
– Cử tri xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ chế độ phụ cấp cho Chủ tịch Hội Cựu TNXP và Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin.
Trả lời: Hàng năm, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về dự toán cho các địa phương, trong đó đã bố trí kinh phí hoạt động cho bộ máy hành chính theo phân cấp quản lý ngân sách. Vì vậy, căn cứ vào Luật ngân sách Nhà nước, ngân sách cấp tỉnh không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Hội Cựu TNXP và Hội Nạn nhân chất chất độc da cam/Dioxin theo kiến nghị của cử tri.
* Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải
-Cử tri các huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và TP. Đồng Hới đề nghị về việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Trả lời: Trong điều kiện ngân sách tỉnh đang còn hạn hẹp, nên hiện tại việc bố trí vốn đầu tư công để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường là chưa thể thực hiện được. Việc sửa chữa, bảo trì các tuyến đường chủ yếu từ nguồn bảo trì đường bộ tỉnh.
Về tuyến đường liên xã Quảng Phú, Quảng Kim, Quảng Hợp (Quảng Trạch), UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng công trình sửa chữa cục bộ nền, mặt đường Đường tỉnh 558B, huyện Quảng Trạch với nội dung sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường đoạn Km0+00-Km0+307,55 và bổ sung hệ thống thoát nước dọc hai bên tuyến đoạn Km0+00-Km0+160. Hiện Sở đang tiến hành chọn nhà thầu và dự kiến sẽ tiến hành việc sửa chữa công trình vào đầu tháng 7-2020.
Đối với tuyến liên xã Sơn Trạch-Hưng Trạch-Liên Trạch (Bố Trạch), thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đang rà soát, cấn đối lại nguồn vốn bảo trì năm 2020 đã được UBND tỉnh phân bổ, thực hiện công tác khảo sát hiện trường, lập phương án và dự toán để trình UBND tỉnh chấp thuận cho phép sửa chữa đoạn hư hỏng nặng đầu tuyến với chiều dài 1,5km.
Đối với tuyến từ Quốc lộ 15 đi thôn Hoành Vinh, xã An Ninh (Quảng Ninh) Km1+00-Km4+500 đã được Bộ Giao thôngvận tải cho phép đầu tư Dự án LRAMP sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Hiện dự án đã được tỉnh phê duyệt đầu tư và Sở đang trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Dự kiến dự án sẽ khởi công trong Quý III-2020.
Đối với tuyến đường tỉnh 564, UBND tỉnh đã cho phép sử dụng nguồn vốn bảo trì đường bộ năm 2020 để sửa chữa tiếp đoạn Km10+850-Km13+00, dự kiến triển khai thực hiện sửa chữa trong tháng 7-2020. Các đoạn còn lại tiếp tục tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những hư hỏng có khả năng mất an toàn giao thông.
Đối với tuyến đường Đoàn Hữu Trung (TP.Đồng Hới), theo quy định về quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP.Đồng Hới. Do đó, Sở đã đề nghị UBND TP. Đồng Hới theo phân cấp chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát và có kế hoạch sửa chữa, xây dựng, nâng cấp phù hợp với quy hoạch để phục vụ nhân dân đi lại theo ý kiến phản ánh của cử tri.
Bùi Thành
(lược ghi)
Nguồn tin: Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/chinh-tri/202007/ky-hop-thu-15-hdnd-tinh-khoa-xvii-cac-so-nganh-dia-phuong-tra-loi-y-kien-kien-nghi-cua-cu-tri-2179169/
Nguồn: Tin Quảng Bình
Đăng nhận xét Blogger Facebook